Đó là quan điểm của nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói Việt Nam liên quan đến thực trạng người lao động tại các thành phố lớn tìm đường về quê trước tác động của dịch Covid-19.
Ông nghĩ gì về câu chuyện người lao động rời thành phố về quê thời gian qua do tác động của dịch Covid-19?
Tôi cho rằng hoạt động dịch chuyển của con người để tìm kiếm sự an toàn là điều hoàn toàn tự nhiên. Nếu như câu hỏi của bạn đang đề cập hiện tượng người lao động nhập cư tháo chạy khỏi TP. Hồ Chí Minh sau giãn cách là lựa chọn sinh tồn, là nhu cầu chính đáng của họ.
Lúc này, cuộc sống của họ ở TP. Hồ Chí Minh không còn an toàn nữa. Không việc làm, không nơi ăn chốn ở, không đủ khả năng chi trả sinh hoạt hàng ngày… Do đó, họ buộc phải lựa chọn về quê, nơi mà mái nhà và mảnh vườn dù sao cũng có thể giúp họ duy trì cuộc sống, dẫu không dễ dàng.
Lời giải nào cho thực trạng người lao động tháo chạy khỏi thành phố Hồ Chí Minh khi thành phố bị “tổn thương”? Làm thế nào để lực lượng lao động quay trở lại khi mọi hoạt động sản xuất hồi phục?
Người lao động chỉ có thể yên tâm ở lại khi cuộc sống của họ được đảm bảo an toàn ở mức trên tối thiểu. Tức là được lao động, được trao cơ hội kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí.
Và khi đã về quê sau những chấn thương về tâm lý, sau những khủng hoảng về an sinh, họ sẽ chỉ dám quay lại thành phố khi đủ tin tưởng rằng những ngày tháng đen tối đó đã ở lại sau lưng, khi họ tin tưởng những rủi ro mà họ từng gặp phải sẽ không còn tái hiện.
Những người lao động nhập cư chính là sinh lực của của các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất… Có cách nào giữ chân họ? Vấn đề là làm sao để tránh được sự “đứt gãy” về nguồn nhân lực khi dịch bệnh đã được kiểm soát, khi các lĩnh vực sản xuất hoạt động trở lại, theo ông?
Mọi doanh nghiệp đều đã nghĩ đến việc giữ chân người lao động với mong muốn phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, khi chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy, khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, dù muốn thì các doanh nghiệp cũng không thể giữ chân người lao động, bởi bản thân các doanh nghiệp cũng khó bảo toàn được sự tồn tại của mình.
"Chỉ khi ý thức được rõ ràng lực lượng lao động nhập cư là sức sống của doanh nghiệp, sức sống của thành phố thì mới có thể tạo ra những hành động cụ thể để chăm lo đời sống, đảm bảo sự an toàn của người lao động để họ yên tâm trở lại. Hẳn là những câu chuyện mà Covid-19 mang tới chính là cơ hội để hình thành nhận thức đó".
Vì thế, tôi tin rằng khi dịch bệnh được kiểm soát thì các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ rất khó khăn để hồi phục, đặc biệt là khó khăn về nhân lực. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp sẽ phải rất vất vả, và tốn kém để có thể thu hút nguồn nhân lực phục vụ sản xuất.
TP. Hồ Chí Minh với những sức hút khi phục hồi sản xuất phải đi kèm với chính sách an sinh thế nào?
Làn sóng dịch lần thứ tư, với các cuộc tháo chạy của người lao động đã phơi bày rất nhiều vấn đề về đời sống của người lao động nhập cư. Điều kiện ăn ở quá tồi tàn, khả năng chống chịu giãn cách của người lao động quá yếu ớt.
Lực lượng lao động nghèo khổ ở TP. Hồ Chí Minh quá đông, họ hầu như không có khả năng tích luỹ để tồn tại dù trong thời gian ngắn bị mất thu nhập. Đây là bài toán mà TP. Hồ Chí Minh buộc phải giải để thu hút người lao động trở lại trong tương lai.
Cơ hội nào để cuộc sống của những người lao động tại thành thị tốt hơn? Có phải dịch Covid-19 đã thức tỉnh, đã cho chúng ta một cái nhìn mới và cần có những giải pháp cụ thể nào để người dân có thể yên tâm ở lại thành phố, tránh tình trạng hàng vạn người lao động ùn ùn về quê?
Chỉ khi các doanh nghiệp, của chính quyền thành phố ý thức được rõ ràng lực lượng lao động nhập cư là sức sống của doanh nghiệp, sức sống của thành phố thì mới có thể tạo ra những hành động cụ thể để chăm lo đời sống, đảm bảo sự an toàn của người lao động để họ yên tâm trở lại. Hẳn là những câu chuyện mà Covid-19 mang tới chính là cơ hội để hình thành nhận thức đó.
Cần có những giải pháp bền vững, dài hơi hơn để không ai bị bỏ lại phía sau trước những tác động của dịch Covid-19 gây ra?
Đã có rất nhiều người từng lên tiếng về việc các khu công nghiệp cần coi hạng mục nhà ở, ký túc xá cho công nhân là hạng mục bắt buộc phải có để người lao động được cung cấp nơi ở an toàn phù hợp với khả năng chi trả.
Tuy nhiên, điều đó đã không được chú ý. Khi Covid-19 bùng phát, người ta mới thấy các xóm trọ công nhân đã "thúc thủ" hoàn toàn trong việc đảm bảo giãn cách, cũng như khả năng tiếp cận các hoạt động cứu trợ. Tôi cho rằng nếu như các khu công nghiệp, các nhà máy có ký túc xá công nhân thì những ngày vừa qua lời kêu gọi ai ở đâu ở yên đó sẽ không gây ra bất cứ phiền toái nào.
Đặc biệt, cho dù giãn cách, không thể tiếp tục duy trì sản xuất để trả lương, thì việc tổ chức cứu trợ cũng sẽ dễ dàng hơn. Khi dịch bệnh bùng phát, điều kiện ăn ở trong các ký túc xá có tiêu chuẩn sẽ an toàn, hoặc ít ra cũng dễ kiểm soát hơn rất nhiều so với các xóm trọ tồi tàn.
Bên cạnh đó, nếu như thành phố có một bộ phận quản lý, hỗ trợ người lao động nhập cư thì ngay khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn, người lao động mất việc làm đã có thể tìm đến bộ phận này để đăng ký được hỗ trợ về quê một cách an toàn. Như thế, họ có thể rời thành phố để trở về quê hương một cách có kiểm soát.
Rất may thành phố vẫn còn đó với những sức hút khi hồi phục sản xuất. Những dòng người lao động nhập cư rồi sẽ trở lại. Có lẽ những bài học của ngày hôm nay sẽ là tiền đề để thành phố ứng xử tốt hơn với những con người tạo nên sinh lực của mình.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Trung Tuyển (Báo QT)