Trước đây, người dân Đức Huệ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, đất đai nhiễm phèn nặng, thời tiết nóng quanh năm nên việc trồng lúa và hoa màu không mang lại thu nhập cao. Nhận thức được điều này, nhiều nông dân đã tìm hướng đi mới phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết của vùng đất Đức Huệ.
Sau thời gian trồng thử nghiệm các loại cây, hoa màu khác nhau, nông dân Đức Huệ khẳng định chỉ có hoa thiên lý là thích hợp nhất, bởi đây là loại cây ưa nắng, thời gian thu hoạch 2-3 năm. Hơn hết, hoa thiên lý không chỉ đẹp, mùi thơm đặc trưng mà còn được ưa chuộng trong chế biến món ăn, cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh. Vì vậy, nhu cầu sử dụng cao, đầu ra khá ổn định, giá bán trung bình từ 60.000-70.000 đồng/kg.
Với lợi thế trên, nhiều nông dân đã bắt đầu “kết duyên” với hoa thiên lý thay cho diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp. Kết quả đến nay, hoa thiên lý được trồng nhiều ở huyện biên giới Đức Huệ, với diện tích trên 40ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Bắc và Mỹ Thạnh Đông. Anh Phùng Văn Mễn, ngụ xã Bình Hòa Bắc, là một trong những người đầu tiên giúp hoa thiên lý bén rễ trên vùng đất khó.
Người dân thu hoạch hoa thiên lý. Ảnh: Báo Long An
Anh Mễn cho biết: “Trước đây, người dân trồng các loại hoa màu hoặc lúa nước khoảng 3 tháng mới thu hoạch, trong khi đó phải trồng đi trồng lại rất nhiều lần. Còn trồng hoa thiên lý chỉ cần chăm sóc tốt 4 tháng có thể thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2-3 năm. Hiện gia đình tôi có 4.000m2 đất trồng hoa thiên lý. Nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh nên giàn thiên lý của gia đình tôi luôn xanh mướt và cho hoa quanh năm. So với cây lúa, thiên lý cho thu nhập gấp 5 lần, tức khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm”.
Mạnh dạn đưa hoa thiên lý bén rễ trên vùng đất khó, nhiều nông dân Đức Huệ đã thu được "trái ngọt". Thành công này đã thay đổi cách làm, cách nghĩ về nông nghiệp của người dân, mở ra hướng phát triển kinh tế mới để có thu nhập cao gấp mấy lần trên cùng một diện tích canh tác. Chưa dừng ở đó, mô hình trồng hoa thiên lý còn tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ, ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, bộc bạch: “Từ ngày huyện phát triển trồng hoa thiên lý, nhiều phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Đa số phụ nữ thu hoạch hoa thiên lý không có nghề nghiệp ổn định; đồng thời, lớn tuổi nên không thể xin vào làm việc ở các doanh nghiệp. Vì vậy, việc trồng hoa thiên lý giúp phụ nữ nhàn rỗi có công việc ổn định, nhẹ nhàng và thời gian chăm sóc gia đình”.
Hoa thiên lý không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Không chấp nhận với những gì đã đạt, hiện nay, nông dân Đức Huệ phát triển mô hình trồng hoa thiên lý theo hướng an toàn, VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, sạch, góp phần đưa hoa thiên lý trở thành cây màu thế mạnh của địa phương./.
Theo Báo Long An