Giảm chi phí, tăng năng suất
Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, chương trình nông nghiệp ƯDCNC được chọn để thực hiện trên 3 cây và 1 con, trong đó cây lúa tập trung chủ yếu tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, cây thanh long ở huyện Châu Thành, cây rau ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc và con bò thịt ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Sau thời gian thực hiện, chương trình không chỉ vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra mà còn mang lại nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, vùng lúa xây dựng được 22.320,8/20.000ha ƯDCNC trong sản xuất, đạt 111,6% kế hoạch.
Qua triển khai, chương trình đã giúp nông dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ sang hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, giúp cây lúa hạn chế đổ ngã, ít sâu, bệnh, giảm được chi phí sản xuất, công chăm sóc và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Báo Long An
Ông Trần Văn Lắm, ngụ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Sản xuất lúa ƯDCNC, gia đình tôi chuyển sang dùng giống lúa xác nhận, lượng giống gieo sạ bình quân giảm 20-50kg/ha, giảm số lần phun thuốc, giảm tiêu tốn các loại phân bón từ 20-30%. Qua đó, gia đình tôi giảm chi phí sản xuất từ 2-2,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng 500-800kg/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 4-6 triệu đồng/ha/vụ”.
Tương tự, việc ƯDCNC vào sản xuất cũng mang lại hiệu quả cho nông dân trồng rau. Hiện tỉnh có gần 2.100ha rau ƯDCNC. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy cho biết: “HTX Rau an toàn Mười Hai được chọn làm HTX điểm của tỉnh thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Hiện nay, HTX có 32 thành viên, với quy mô sản xuất trên 20ha rau ƯDCNC, trong đó HTX đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và tham gia thực hiện Đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của huyện với cây cải bẹ xanh là mặt hàng chủ lực.
Nhờ có thương hiệu, HTX đã ký hợp đồng với 4 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi ngày, HTX sẽ cung cấp 2-3 tấn rau cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, khi nông dân tham gia HTX, giá rau bán sẽ ổn định và cao hơn so với rau ngoài HTX”.
Những năm trước khi chưa ƯDCNC vào cây thanh long, nông dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, trong đó thường sử dụng phân gà tươi bón cho thanh long. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mà còn gây ô nhiễm môi trường. Sau khi triển khai đề án ƯDCNC vào cây thanh long, nông dân mạnh dạn sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong quá trình sản xuất thanh long nhằm cải tạo đất, tăng hoạt động của rễ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, dễ quản lý một số nấm bệnh vùng rễ.
Đồng thời, người dân cũng được làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, từng bước chuyển đổi canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Kết quả đến nay, tỉnh có gần 2.100ha thanh long ƯDCNC.
Tiếp tục nỗ lực
Phát huy kết quả đã đạt trong Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, chỉ tiêu cụ thể như cây lúa 60.200ha; thanh long 6.000ha; cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000ha rau ƯDCNC; con tôm 100ha ƯDCNC và con bò thịt.
Huyện Bến Lức được xem là địa phương chủ lực trong việc thực hiện ƯDCNC trên cây chanh. Những năm qua, huyện luôn quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, huyện luôn dành ngân sách để phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây chanh như: Tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ giống chanh; thực hiện 10 cánh đồng phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh với 160ha liền kề,... Kết quả, đến nay, huyện có trên 7.000ha chanh, trong đó có 1.200ha chanh ƯDCNC. Dự kiến cuối năm 2021, huyện sẽ có thêm 300ha chanh ƯDCNC.
Ông Huỳnh Kim Hữu, ngụ ấp 1, xã Bình Đức, là một trong những nông dân đầu tiên ƯDCNC vào trồng chanh. Theo đó, gia đình ông được chọn làm điểm để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm theo phương thức tưới phun mưa và nhỏ giọt trên cây chanh.
Gia đình ông được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên 3ha đất trồng chanh với 1.700 vòi phun, tổng kinh phí trên 18 triệu đồng. Sau khi được đầu tư, gia đình ông đã thực hiện tưới nước, tưới phân cho cây chanh theo đúng quy trình chăm sóc mà ngành Nông nghiệp hướng dẫn. Tại đây, ông chỉ cần bật cầu dao là mọi công đoạn được thực hiện, với 15 phút, mỗi gốc chanh sẽ được tưới khoảng 20 lít nước, không cần phải kéo vòi khắp vườn như cách tưới truyền thống trước đây.
Ông Huỳnh Kim Hữu cho biết: “Qua thực tế triển khai mô hình cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp gia đình tôi tiết kiệm khoảng 30% công lao động, 70-75% công tưới nước, bón phân; tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới; 30% chi phí tiền điện”.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả cho nông dân trồng rau. Ảnh: Báo Long An
Đối với con tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn huyện Cần Đước xây dựng 100ha nuôi tôm ƯDCNC. Đến nay, ngành Nông nghiệp huyện Cần Đước đã triển khai nghị quyết đến người dân, trong đó chọn xã Tân Chánh thực hiện mô hình điểm.
Bên cạnh các kết quả đã đạt, ngành Nông nghiệp tỉnh còn gặp một số khó khăn trong việc triển khai, thực hiện ƯDCNC vào sản xuất. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian qua, các chỉ tiêu cơ bản của chương trình ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp mặc dù đạt so với kế hoạch đã đề ra nhưng chất lượng của các chỉ tiêu còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác xây dựng các HTX điểm, HTX điển hình, các HTX hầu hết đều chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, đời sống của các hộ thành viên.
Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC bước đầu thực hiện hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn do thiếu vốn. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC còn ít, các doanh nghiệp chưa có nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong khâu sơ chế, chế biến để nâng cao năng suất sản xuất. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu ra của nông sản còn khá bấp bênh,...
“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành liên quan trong việc duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp ƯDCNC có hiệu quả; đẩy mạnh công tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị trên sản phẩm lúa, rau, thanh long, chanh, tôm, bò thịt; tập trung đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công tác trong ngành Nông nghiệp, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản của tỉnh; đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nhất là giao thông, thủy lợi và điện phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp Sở Công Thương tiến hành đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình OCOP. Ngoài ra, Sở sẽ đề xuất thêm cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC, trong đó quan tâm đến chính sách đất đai cho các doanh nghiệp đầu tàu, sản phẩm chủ lực tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.
Theo Báo Long An