Được ví như những kình ngư giữa đại dương mênh mông, trong suốt những năm qua, những con tàu khách, tàu vận tải thuộc Lữ đoàn 955, BTL Vùng 4 Hải quân cùng những cán bộ chiến sĩ (CBCS) vượt ngàn trùng sóng gió, trực chốt bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoàn thành hàng trăm chuyến đưa đoàn công tác và hàng hóa từ đất liền ra Trường Sa an toàn tuyệt đối. Những kình ngư của biển còn được gọi với cái tên thân thương “nhịp cầu nối” đất liền với đảo xa.
Đón tàu Trường Sa 14 cập cảng sau hơn 3 tháng trực chốt trên biển trở về, Trung tá Đỗ Văn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 955 trực tiếp lên tàu với những cái bắt tay thật chặt động viên từng CBCS của mình.
“Với nhiệm vụ trọng tâm là vận tải, trực chốt, chi viện, thay thu quân, tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn; phục vụ đưa, đón các đoàn khách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân đi thăm, kiểm tra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; tuần tiễu, quản lý, bảo vệ vùng nước quân sự căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa). Các con tàu của Lữ đoàn chúng tôi hoạt động quanh năm trên biển, thay nhau làm nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết sóng, gió khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”- Trung tá Đỗ Văn Sơn cho biết.
Trở về từ Trường Sa sau hơn 3 tháng với nhiều nhiệm vụ như chở hàng hóa đến các đảo, trực chốt trên vùng biển được phân công, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, Thượng úy Vũ Văn Huynh, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 14 chia sẻ: Bất cứ ai làm việc trên tàu đều phải xác định rõ tư tưởng và bản lĩnh chính trị. Chuyến đi nối tiếp chuyến đi, nhiều lần sau chuyến trực dài ngày trên biển vừa trở về bờ, tàu lại nhận lệnh xuất bến đi thực hiện nhiệm vụ là điều bình thường nhưng ai cũng luôn tự hào vì được cống hiến sức mình cho biển đảo, cho Trường Sa thân yêu.
Thực hiện nhiệm vụ trên biển, khó khăn nhất đối với cán bộ chiến sĩ là điều kiện thời tiết, sóng to, gió lớn, nhất là mùa biển động. Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng tàu 561 mang tên Khánh Hòa-01 cho biết: Ngoài nhiệm vụ chở đoàn công tác đến với quân dân huyện đảo Trường Sa, thay thu quân thực hiện nhiệm vụ trên các đảo, tìm kiếm cứu nạn, tàu 561 còn như 1 bệnh viện di động trên biển, thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho quân dân trên các đảo và ngư dân đán bắt xa bờ nên CBCS thường xuyên lênh đênh trên biển. Tuy nhiên xác định rõ nhiệm vụ, mỗi CBCS tàu 561 luôn quyết tâm, nỗ lực, vượt qua mọi gian khó, ai cũng luôn tự hào vì được ví là “nhịp cầu nối” giữa đất liền với đảo xa.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Sỹ, Chính trị viên tàu 571 –mang tên Trường Sa: Để đảm bảo an toàn cho từ 100-200 hành khách trong suốt hải trình 10 - 15 ngày ra thăm Trường Sa, công tác chuẩn bị phải mất cả tháng cho các công việc như sơn sửa, kiểm tra, bảo quản thiết bị, tích trữ nước sinh hoạt. Riêng khâu chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ phải mất tới gần 1 tuần. Tất cả mọi việc từ tiếp đón, bố trí chỗ ăn, nghỉ cho khách... đều theo kế hoạch được cấp trên phê duyệt. Thời gian đi bao lâu thì bộ phận quân nhu, hậu cần phải lên thật chi tiết thực đơn mỗi bữa ăn sao cho đảm bảo tươi ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau mỗi chuyến tàu mang theo trang thiết bị, nhu yếu phẩm... cập các đảo và tàu trực an toàn, chuyển tới tay của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại các đảo những vật dụng cần thiết, mỗi CBCS tàu 571 lại dâng lên niềm vui và hạnh phúc.
Nếu ai đã từng đến Trường Sa trên những con tàu khách đều dễ dàng nhận thấy, trong suốt hải trình, hầu hết các buổi giao lưu, gặp gỡ của đoàn công tác, những thuỷ thủ của tàu đều vắng mặt, đơn giản bởi các anh còn làm nhiệm vụ, tổ phục vụ còn chăm lo cho đoàn từng bữa ăn, giấc ngủ để đảm bảo cho hải trình. Cảm nhận về điều này, phóng viên Hà Phương, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ: Trong chuyến đi thăm quân dân Trường Sa, tôi được đi trên tàu 561. Không chỉ tôi mà toàn thể đoàn công tác thực sự ấn tượng với CBCS tàu 561. Trong suốt hải trình, các anh luôn tận tình, chăm sóc chu đáo, ân cần hỏi thăm từng người. Mặc dù biết các anh rất vất vả nhưng ai cũng luôn nở nụ cười tươi. Điều đặc biệt trong các hoạt động tập thể thì hầu như vắng bóng các anh vì mỗi người một việc để đảm bảo hải trình an toàn cho đoàn công tác.
Điều đặc biệt hơn nữa, những người thực hiện “nhịp cầu nối” giữa đất liền với đảo xa đa phần là những CBCS tuổi đời đều rất trẻ. Họ từ các miền quê trên khắp cả nước hội tụ về, đều có cùng chí hướng, coi tàu là nhà, biển cả là quê hương.
Thượng úy Tạ Trung Thành, Chính trị viên tàu 561 bộc bạch: Từ những chàng trai trắng trẻo thư sinh ngày nào khi mới ra trường, về tàu làm việc với bao bỡ ngỡ, chỉ một thời gian ngắn tất cả đều có nước da nhuốm màu nắng gió biển khơi. Mỗi chuyến đi, ngắn thì hơn 10 ngày, chuyến dài lên đến cả tháng nên nắng nóng cùng sóng gió biển khơi chẳng thế mà đã ăn sâu vào máu thịt. Vinh dự và tự hào được công tác Lữ đoàn 955, cùng đồng đội đưa những chuyến tàu ra Trường Sa an toàn tuyệt đối, mỗi CBCS thủy thủ trên tàu rất vui vì đã mang hơi ấm từ đất liền đến Trường Sa.
Sống trên biển nhiều hơn trên đất liền cùng với đó là bao khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng những CBCS Lữ đoàn 955, BTL Vùng 4 Hải quân luôn coi đây là sự may mắn khi được cống hiến sức mình vì Trường Sa thân yêu, phục vụ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khẩu hiệu “Có lệnh là đi, đã rời bến là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đã ngấm vào máu thịt mỗi CBCS làm nhiệm vụ trên những kình ngư của biển – những “nhịp cầu nối” giữa đất liền với đảo xa./.
Thu Lan/VOV1