Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.000 km, cùng với nhiều đảo và quần đảo. Hàng ngày trên vùng biển, đảo của Việt Nam có hàng triệu lao động làm việc. Đây là không gian sinh tồn và phát triển rất quan trọng của đất nước.
Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam cách đây tròn 10 năm, từ 21/6/2012, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ảnh minh họa: TTXVN
Trên những tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Ngãi, máy nhắn tin, máy giám sát hành trình là những thiết bị không thể thiếu. Nhiều ngư dân giờ chấp hành quy định của nhà nước về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, quản lý ngư trường nguồn lợi theo sự quản lý của nhà nước đã được quy định.
Luật Biển Việt Nam đã thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Gồm 7 Chương, 55 Điều - Theo TS Trần Công Trục, những quy định của Luật Biển Việt Nam 2012 hoàn toàn phù hợp với công ước và được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, bổ sung các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được Chính phủ Việt Nam công bố như Tuyên bố của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 1977.
Với mục tiêu trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển, Việt Nam nhất quán trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng không quên thực hiện những sách lược, giải pháp quản lý và sử dụng tài nguyên biển, đảo - tài sản thiêng liêng mà cha ông để lại; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo quê hương trong mỗi người dân.
Nguồn VTV