Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường.
Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND thành phố không họp, Thường trực HĐND thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở thủ đô.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Để Luật Thủ đô nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Hà Nội cho rằng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm thẩm quyền Trung ương đã giao cho Hà Nội. Tiếp nữa là sự phối hợp chặt chẽ giữa Hà nội với các cơ quan trung ương ban hành các văn bản để khi Luật có hiệu lực việc triển khai thực hiện có hiệu quả
Theo Luật Thủ đô, quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm hướng tới xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố. Từ đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước. Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, trong Luật Thủ đô sửa đổi lần này có rất nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực văn hoá, công nghiệp văn hoá. Đồng thời, có những cơ sở để chúng ta tháo gỡ những khó khăn vướng mắc…
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố. Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới….
Việc ra đời của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hoà bình…