Việt Nam và Malaysia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ ngày 30/3/1973. Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, Dato Tan Yang Thai đã trả lời phỏng vấn VOV về mối quan hệ song phương giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh: Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Malaysia.
PV: Thưa Đại sứ, mối quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam đã phát triển như thế nào trong 50 năm qua, Đại sứ có thể phân tích một số thành tựu nổi bật?
Đại sứ Dato Tan Yang Thai: Mối quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam được thiết lập năm 1973. Kể từ đó, quan hệ hai nước ngày càng bền chặt và tôi lạc quan rằng nó sẽ ngày càng phát triển khi cả hai bên không ngừng thúc đẩy các nỗ lực song phương và đa phương, đặc biệt là trên nền tảng ASEAN.
Việt Nam nổi lên là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Malaysia cả về kinh tế và xã hội. Các nhà đầu tư Malaysia đã có mặt tại Việt Nam từ lâu trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995. Hiện nay, hai nước đã triển khai hợp tác đồng bộ và toàn diện theo Kế hoạch hành động (POA) 2021-2025, triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Malaysia-Việt Nam. Với việc thực hiện Kế hoạch Hành động (POA) này, cả hai nước kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương và đóng góp vào sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực then chốt. Theo dữ liệu, Kế hoạch Hành động đầu tiên đã được triển khai thành công và mang lại lợi ích to lớn cho cả hai nước.
PV: Theo Đại sứ, những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa Malaysia và Việt Nam là gì và triển vọng của những hợp tác này trong tương lai như thế nào?
Đại sứ Dato Tan Yang Thai: Malaysia và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực. Cả hai nước cùng cam kết tăng cường hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc tham gia tích cực vào ASEAN và các tổ chức khu vực khác. Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, kim ngạch thương mại của Malaysia với Việt Nam năm 2022 đạt 19,44 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2021. Đây là một thành công lớn trong bối cảnh mục tiêu đầu tư đặt ra là 18 tỷ USD.
Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Malaysia. Với nền kinh tế phát triển mạnh, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam không ngừng tăng trong những năm gần đây. Các nhà đầu tư Malaysia cũng quan tâm hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp và thủy sản, sản phẩm halal, thực phẩm chế biến, cũng như các sản phẩm và linh kiện điện tử…
Với việc mở lại đường bay thẳng của Vietnam Airlines từ Kuala Lumpur đến Hà Nội giữa tháng 3 vừa qua, hai nước đã thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực du lịch. Theo đó, lượng khách du lịch Malaysia đến Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu. Năm nay, Malaysia đặt mục tiêu đón 15,6 triệu khách du lịch quốc tế với doanh thu khoảng 47,6 tỷ MYR. Malaysia lạc quan sẽ đón hơn 234.000 lượt khách du lịch từ thị trường Việt Nam. Hiện mỗi tuần có 120 chuyến bay với hơn 21.000 chỗ ngồi từ Việt Nam đến Malaysia của các hãng hàng không Malaysia Airlines, Vietnam Airlines, VietJet Air, Batik Air và AirAsia.
PV: Cùng là thành viên tích cực của ASEAN, Malaysia và Việt Nam có những hợp tác gì vì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực?
Đại sứ Dato Tan Yang Thai: Malaysia sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025. Malaysia đóng vai trò là nhà hoạch định chính sách và người đi đầu trong bất kỳ vấn đề quốc tế quan trọng nào. Với Malaysia, ASEAN là một diễn đàn để thể hiện quan điểm và chính kiến ở nhiều góc độ khác nhau, bao gồm chính trị-an ninh, kinh tế hay văn hóa - xã hội. Là một thành viên của ASEAN, Malaysia nỗ lực thúc đẩy sự ổn định và hợp tác trong khu vực.
Malaysia cũng muốn đề nghị Việt Nam tham gia Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Malaysia (MTCP). Chương trình này là một phần trong cam kết của Chính phủ Malaysia nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác khu vực và tiểu vùng. Malaysia và Việt Nam cũng cần tận dụng tối đa các sáng kiến song phương và đa phương để tăng cường thương mại, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp cả hai nước.
PV: Cám ơn Đại sứ về cuộc trao đổi này!
Hương Trà/VOV5