Kết hợp đầu tư công – tư trong hoạt động Marketing du lịch. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành tại Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL.
Theo đó, Tổng cục Du lịch là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam. Trên cơ sở kinh phí được ngân sách nhà nước cấp và mục đích hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch quy định tại Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược.
Định vị Việt Nam là điểm đến hàng đầu khu vực
Với mục tiêu quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ rõ các mục tiêu đặt ra.
Trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.
Trên quan điểm Marketing du lịch là đột phá chiến lược nhằm phục hồi, phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, được triển khai theo các chiến dịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng thời kỳ; chủ động dẫn dắt, điều tiết cân đối cung cầu theo từng thời điểm và địa bàn, nhằm phát triển thị trường khách du lịch quốc tế.
Đồng thời, tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa. Marketing du lịch tập trung vào thương hiệu du lịch Việt Nam, các điểm đến, sản phẩm với các giá trị đặc trưng, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam; đặt chất lượng trải nghiệm của khách du lịch ở vị trí trung tâm.
Định hướng thị trường Marketing trọng tâm
Đối với thị trường quốc tế, giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.
Đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2022-2025, sẽ phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.
Bên cạnh việc định hướng thị trường thì định hướng sản phẩm du lịch cũng được đưa ra rất cụ thể. Trong đó, tập trung tiếp thị các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu gồm có: Du lịch biển, đảo; Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch đô thị, trong đó, tập trung vào các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa; gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa các hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại.
Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên triển khai marketing số, hình thành hệ thống nội dung số, phát huy tốt các kênh Marketing nền tảng số với sự đầu tư thỏa đáng, kết hợp đầu tư công – tư trong hoạt động Marketing nhằm cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch (về chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá…) thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Đánh giá về công tác truyền thông ngành Du lịch Việt Nam thời qua, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, tiếng nói của ngành Du lịch tại Việt Nam còn ít, sự ủng hộ trong ngành Du lịch cũng chưa nhiều dù ai cũng đánh giá cao vai trò của ngành Du lịch. Do chưa làm tốt công tác truyền thông, cho nên vị trí, vai trò tầm quan trọng của ngành Du lịch chưa được quan tâm chú trọng thực sự.
Cũng thao ông Vũ Thế Bình, trải qua sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua chúng ta mới thấy rõ vai trò của khách du lịch quan trọng đến mức nào, và khi tình hình mới trở lại khách du lịch lại ào ạt đi. Điều này dẫn tới việc đi du lịch bị xem rằng là việc đương nhiên, có điều kiện là du khách sẽ đi và không cần quan tâm đến họ. Nên điều này càng làm cho du lịch càng ngày càng ít tiếng nói hơn trên thị trường, thậm chí còn bị xem thường so với các ngành kinh tế khác. Do đó công tác truyền thông là vô cùng quan trọng.
Cũng theo ông Vũ Thế Bình cho biết: “Hiệp hội du lịch Việt Nam đã xây dựng một kênh truyền hình du lịch trên VTV1 từ 9h05 đến 9h15 các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Đây là khung giờ vàng phát sóng dành riêng cho du lịch Việt Nam. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã vận động Hiệp hội các tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp tham gia tích cực vào chương trình này. Trong năm 2023 sẽ có 120 số cho chương trình, và đây là cơ hội cho truyền thông khẳng định tiếng nói của doanh nghiệp, tiếng nói của địa phương gửi đến Chính phủ và Nhà nước ta.”
Theo Diễn đàn doanh nghiệp