Với tốc độ tăng bình quân 20% - 25%/năm, thương mại điện tử (TMĐT) đang được đánh giá là công cụ hiệu quả để thúc đẩy liên kết vùng, giúp các doanh nghiệp (DN) trong vùng có thể tiếp cận với thị trường rộng, đa dạng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của TMĐT những năm gần đây với những bước phát triển vượt bậc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên - ông Phạm Đức Toàn cho biết, toàn tỉnh đã có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT. Tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) có tài khoản TMĐT đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMĐT đạt 50%.
“TMĐT giúp DN và người tiêu dùng trong tỉnh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi”, ông Toàn cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Toàn, bên cạnh các mặt tích cực, hoạt động TMĐT vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. “Phần lớn các website của tỉnh chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng. Số lượng các sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào các sàn TMĐT còn khiêm tốn…”, ông Toàn nói.
Tại Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, một trong những nội dung quan trọng được nhắc đến là không gian phát triển TMĐT quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Tăng cường liên kết TMĐT theo vùng trọng điểm quốc gia, theo khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế của từng vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về TMĐT.
Thông tin rõ hơn về Kế hoạch này, ông Hoàng Ninh, Trưởng Phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Kế hoạch tổng thể đặt ra mục tiêu phát triển TMĐT cụ thể gồm hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh. Phát triển TMĐT theo liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như hướng tới phát triển TMĐT xanh, tuần hoàn, bền vững và coi trọng đào tạo nguồn nhân lực trong TMĐT.
“Đối với nội dung phát triển TMĐT theo liên kết vùng, Kế hoạch tổng thể đặt mục tiêu các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 60% giá trị giao dịch TMĐT B2C toàn quốc. 60% số xã và tương đương có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương về vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất, logistics và nguồn nhân lực…”, ông Ninh nêu.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức các Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại các địa phương nhằm kết nối, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Thông qua các hội nghị này, cơ quan quản lý cùng chung tay với các địa phương thu hẹp khoảng cách; tiết kiệm nguồn lực, chi phí; nâng cao năng lực cạnh tranh và có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng lớn, từ đó, giúp TMĐT nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển nhanh và bền vững.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), mắt xích quan trọng nhất để thúc đẩy liên kết TMĐT giữa các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm là xác định được những sản phẩm có ưu thế, lợi thế trong lĩnh vực logistics hoặc trong tổ chức kho hàng, từ đó có thể tối ưu hoá hiệu quả của chuỗi cung ứng trong bối cảnh của khu vực.
Bộ Công Thương cùng các địa phương cũng làm việc với những sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá có hàm lượng giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản trong cao điểm mùa vụ. Phối hợp với Shopee, Lazada, Tiki hoặc những sàn thương mại quốc tế để tổ chức những gian hàng Việt và những tuần lễ hàng Việt, hỗ trợ bà con có thể tiêu thụ hàng hoá một cách tối ưu nhất.
“Về lâu dài, ngoài việc tiêu thụ theo mùa vụ những sản phẩm đặc trưng theo vùng miền và từng địa phương, Bộ Công Thương cũng nỗ lực phối hợp với các sàn để xây dựng những thương hiệu trực tuyến cho hàng hoá Việt Nam, hướng đến để đưa những sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến cho hàng hoá Việt Nam cũng là một trong những định hướng ưu tiên”, bà Việt Anh cho hay.
Liên kết thúc đẩy phát triển thị trường TMĐT liên vùng, giúp xóa bỏ các rào cản về địa lý, thời gian và tạo ra một thị trường rộng lớn hơn là việc làm cần thiết. Trên nền tảng số, các DN trong vùng có thể tiếp cận được với tệp khách hàng đa dạng có sở thích, hành vi và thói quen khác nhau. Hình thức này sẽ tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển, giúp tăng doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.