Quang cảnh Kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ảnh Nhân dân
Kết quả thực hiện đồng bộ một số quy định được Trung ương ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy những bước tiến mới trong nhận thức về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ tập trung các hành vi tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm trái quy định, thất thoát tài sản nhà nước mà đã gắn phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực, trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; không chỉ khu vực nhà nước mà đã mở rộng tới khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, Trung ương nhất quán quan điểm song hành giữa xây và chống để xử lý nghiêm hành vi sai phạm, đồng thời khuyến khích người có sai phạm tự giác nhận khuyết điểm, tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, từ chức…
Qua một số kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xem xét, đồng ý để một số cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước thôi giữ các chức vụ đương nhiệm, một lần nữa ghi nhận hiệu lực thi hành Quy định số 41 sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống. Các quyết định của Trung ương được đưa ra căn cứ theo các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng cá nhân của cán bộ; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc miễn nhiệm, từ chức, đồng thời kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ.
Điều 7, Chương II tại Quy định số 41 quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đối với các trường hợp cán bộ bị miễn nhiệm thời gian gần đây, các đồng chí đều phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại cơ quan, đơn vị, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng đã kết luận về những vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trách nhiệm người đứng đầu. Những vi phạm, khuyết điểm của các đồng chí đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân cán bộ dẫn đến hệ quả tất yếu đối với mỗi người, đồng thời, để lại những bài học sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền nhưng thiếu rèn luyện, tu dưỡng, mất khả năng tự “đề kháng” trước cám dỗ tầm thường của danh lợi.
Việc xem xét, đồng ý cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với các đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý có vi phạm thời gian qua, được thực hiện khẩn trương, đúng quy trình quy định cụ thể tại Chương III, Điều 8, Quy định số 41. Theo đó, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc, khi đã có đủ căn cứ thực hiện miễn nhiệm, từ chức.
Đánh giá về hiệu quả thi hành Quy định số 41, nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên bày tỏ sự đồng tình và khẳng định niềm tin vào bước đột phá trong tư duy “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ và nhất là sự nghiêm minh trong kỷ luật đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Quy định đi vào cuộc sống đã góp phần quản lý, sàng lọc đội ngũ cán bộ, từng bước xây dựng và hình thành văn hóa từ chức trong các cơ quan công quyền.
Đề cao tự trọng, hình thành văn hóa công vụ
Miễn nhiệm, từ chức không phải là phạm trù mới, bởi đã được thể chế hóa bằng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ trước. Trên thực tế, Bộ Chính trị đã đưa ra những căn cứ cụ thể để xem xét cho cán bộ thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức tại Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009. Tuy nhiên, suốt thời gian dài thực hiện, câu hỏi khi nào miễn nhiệm, từ chức trở thành việc làm bình thường, cán bộ tự giác rời vị trí khi không còn đủ năng lực, uy tín trong hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước, vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng.
Kết quả hơn 2 năm thực hiện Quy định số 41 củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc nói đi đôi với làm, làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có vùng trống, không ngoại lệ, không đặc quyền, bất kể người đó là ai. Hiệu lực thi hành của Quy định số 41 trong thực tế thêm khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và quan điểm nhất quán của Ðảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân về một chính đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị liêm chính, là ghi nhận sự chuyển biến mới về tác phong, văn hóa lãnh đạo, quản lý.
Việc nêu gương của Trung ương trong thực hiện Quy định số 41 đã lan tỏa thông điệp về giá trị của lòng tự trọng trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thúc đẩy nét văn hóa mới, ứng xử văn minh trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, gắn trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị. Với bộ “công cụ” hữu hiệu này, nhiều cấp ủy, lãnh đạo địa phương, đơn vị có căn cứ cụ thể để thay thế nhanh hơn, sàng lọc ra khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, mà không phải chờ hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm, để việc cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm trở thành bình thường trong công tác cán bộ, như Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đề ra.
Khẳng định niềm tin và kỳ vọng vào những điểm đột phá mới, đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội cho biết, song hành với quá trình phát triển đất nước luôn tiềm ẩn những nguy cơ, có tác động tiêu cực dẫn đến biểu hiện suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, Đảng xác định, cái gốc của tham nhũng, tiêu cực là ở sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tài sản mất có thể thu hồi, nhưng mất tư cách đạo đức, phẩm chất chính trị là mất tất cả.
Việc Trung ương và một số cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 41 đã thể hiện rõ tinh thần song hành giữa xây và chống. Mục đích cao nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, đó là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn…
Giải pháp nào để miễn nhiệm, từ chức trở thành việc bình thường, để mục tiêu xây dựng môi trường công vụ liêm chính đạt hiệu quả tối ưu, theo đồng chí Nguyễn Túc, trong bối cảnh hiện nay, nếu giáo dục, rèn luyện đảng viên không đạt được cần, kiệm, liêm chính thì khi biết mắc sai lầm, khuyết điểm, không phải cán bộ nào cũng sẵn sàng từ chức. Trong một số trường hợp, trách nhiệm thuộc về tổ chức. Khi cán bộ được giao trách nhiệm, thẩm quyền về công tác cán bộ còn nghĩ đến lợi ích cá nhân thì công tác miễn nhiệm, từ chức còn gặp khó...
Do đó, muốn quy định của Đảng đi vào cuộc sống, trước hết cần quan tâm trọng dụng người tài, đức ngay từ đầu. Lựa chọn cán bộ trước hết phải chọn người toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Song song quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, cần coi trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát, để người không đủ phẩm chất năng lực, uy tín không muốn cũng buộc phải miễn nhiệm, từ chức.
Nhìn vào kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhiều ý kiến bày tỏ vừa mừng, vừa lo. Mừng vì Đảng đã quyết tâm, tập trung và làm thật. Lo là bởi sự suy thoái đã “leo cao, trèo sâu”, với biểu hiện ngày càng tinh vi, mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Vì đâu nên nỗi là câu hỏi xót xa thường được đặt ra trước mỗi quyết định miễn nhiệm hay thi hành kỷ luật đảng. Bởi nhiều cán bộ, đảng viên đã trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực không ngừng, nhưng đã không giữ nổi bản thân trước cám dỗ tầm thường.
Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là “vòng kim cô” để nắn chỉnh các biểu hiện, hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên. Nhưng cũng chẳng thể nào có biện pháp triệt để nếu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền không tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, không nhận rõ trách nhiệm, bổn phận, tự đánh mất mình.
Theo Nhân dân