"Luồng xanh" cho du lịch cất cánh
Ngày 15/3 là ngày chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Trên trang nhất báo Diễn đàn Doanh nghiệp có bài viết "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh, thể hiện sự tự tin, lạc quan vào hồi phục của ngành du lịch với việc mở cửa này. Bởi đến thời điểm này, ngành du lịch cơ bản đến lúc này đã rất sẵn sàng.
Tới đây khi mở cửa, ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: đảm bảo an toàn chống dịch, cho phép áp dụng lại chính sách thị thực như năm 2019, chuẩn bị về cơ sở vật chất du lịch và các sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt.
Hàng không, du lịch sẵn sàng đón khách quốc tế
Mặc dù sẵn sàng là như vậy, nhưng theo đại diện Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ trên tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh, lộ trình mở cửa giữa tháng 3/2022 nhưng sẽ có độ trễ nhất định mới có những đoàn khách đầu tiên vào Việt Nam. Còn thời gian qua, khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là đi công tác, thăm thân, lao động đi làm tại các nước và du học sinh.
Một chiến dịch quảng bá Việt Nam như điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn cần được triển khai ngay khi các bộ, ngành liên quan thống nhất điều kiện và các quy định đối với khách du lịch quốc tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Truyền thông phải đi trước
Mở cửa du lịch không có nghĩa là khách sẽ tự đến, mà để thu hút được du khách, truyền thông về du lịch thuận tiện, an toàn và hấp dẫn cần đi trước một bước. Đây là bình luận của báo Đại biểu nhân dân.
Theo đó, một chiến dịch quảng bá Việt Nam như điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn cần được triển khai ngay khi các bộ, ngành liên quan thống nhất điều kiện và các quy định đối với khách du lịch quốc tế. Các thông điệp truyền thông cần làm rõ các điều kiện nhập cảnh, xét nghiệm đối với từng nhóm du khách quốc tế, nhấn mạnh môi trường du lịch an toàn, thân thiện và quảng bá các danh thắng đặc sắc.
Đòi hỏi nỗ lực linh hoạt và thích ứng
Còn theo báo Văn hóa, việc hoàn thiện chương trình, làm tốt hơn, cẩn thận hơn, chuyên nghiệp hơn, bù lấp khẩn cấp nguồn nhân lực thiếu hụt là cách tốt nhất để doanh nghiệp giữ uy tín, thương hiệu và phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể gây dựng được.
Mặc dù vậy đến nay, các bộ, ngành liên quan chưa có sự thống nhất về quy định đối với khách quốc tế. Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đề xuất du khách ở tại nơi lưu trú trong 24 giờ và nếu kết quả xét nghiệm âm tính là có thể tự do du lịch, thì Bộ Y tế lại muốn đưa ra các điều kiện "chặt" hơn. Ví dụ như phải có giấy xét nghiệm trước 72 tiếng trước khi nhập cảnh, hay du khách muốn di chuyển tới nơi khác phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày.
Tránh rào cản kìm đà phục hồi
Không những là quy định không thống nhất giữa các bộ, ban, ngành, mà thậm chí những quy định này cũng chặt chẽ hơn so với các nước trong khu vực vốn đã mở cửa du lịch. Do vậy, nếu không có sự nới lỏng thì du lịch Việt Nam khó có thể hấp dẫn khi mở cửa trong bình thường mới. Vì vậy, tờ Thời báo Ngân hàng cho rằng cần tránh rào cản kìm đà phục hồi du lịch khi mở cửa.
Không chỉ mong muốn nới lỏng các quy định cách ly, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ, quan trọng nhất là đồng bộ chính sách thực hiện mở cửa, tránh tình trạng mở rồi lại đóng hay "mở nửa vời". Điều này không chỉ tạo sự an tâm cho du khách khi đến Việt Nam, mà còn là động lực để các doanh nghiệp trong nước đầu tư, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới chất lượng hơn, mở rộng quy mô, tuyển dụng nhân sự, nâng cấp dịch vụ.
Nguồn VTV