Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Nền kinh tế Việt Nam đã từng bước lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực trong năm 2022 nhờ chính phủ kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp và nắm bắt cơ hội, với điểm nhấn là việc mở cửa toàn diện vào ngày 15/3/2022.
Đây là nhận định của học giả Triệu Ý Như thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế Đại học Vân Nam (Trung Quốc), trong đó nêu rõ đứng trước các yếu tố gây bất lợi như môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục lây lan,... Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận đa chiều và thích ứng linh hoạt.
Ngày 15/3/2022 đánh dấu sự kiện Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" để tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
So với nhiều nước trong khu vực, chính sách này được đánh giá là cởi mở và khá cạnh tranh, qua đó tạo động lực để Việt Nam đạt được những kết quả kinh tế tích cực.
Đánh giá về thành tựu của Việt Nam sau khi mở cửa, Giáo sư Edmund Malesky, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke thuộc Đại học Duke (Mỹ) nhấn mạnh tới sự phục hồi mang tính "kiểu mẫu" sau COVID-19 khi Việt Nam kết thúc năm 2022 với vị thế là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á.
Trong khi đó, báo Tribune de Gèneve (Thụy Sĩ) lưu ý sau thời gian phải đóng cửa vì dịch COVID-19, với sự kiện ngày 15/3, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh nhất châu Á trong năm 2022.
Torben Minko, Giám đốc điều hành B. Braun Việt Nam - công ty thuộc Tập đoàn B. Braun của Đức chuyên sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh hơn các quốc gia khác ở châu Á.
Bất chấp khủng hoảng COVID-19, xung đột Nga-Ukraine kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng cao...., Việt Nam vẫn đạt được thành tựu ấn tượng về kinh tế.
Năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn tăng trưởng 8,02%, giá cả các mặt hàng trong nước cơ bản được kiểm soát. Thậm chí, ông Torben Minko còn cho rằng không hề cảm nhận được tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở Việt Nam.
Trái lại, ông nhấn mạnh Việt Nam đang thu hút các công ty từ khắp nơi trên thế giới và các nhà máy mới đang mọc lên ở gần như mọi nơi tại Việt Nam.
Đồng quan điểm này, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư BDA Partners, ông Andrew Huntley cho rằng với mức tăng 8,02% - thuộc hàng cao nhất thế giới, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh sau 2 năm dịch bệnh hoành hành. Theo ông, động lực của sự phục hồi là tiêu dùng tăng khoảng 14%, mức tăng trưởng cao và đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP.
Dây chuyền may xuất khẩu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Không chỉ tiêu dùng nội địa tăng mạnh, xuất khẩu năm 2022 cũng phục hồi tương tự với mức tăng 13%, trong đó xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất đóng góp nhiều nhất và là động lực lớn nhất.
Cùng với kinh tế, kể từ khi mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế vào ngày 15/3 năm ngoái, ngành du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi. Năm 2022, Việt Nam đã đón tổng cộng 3,66 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 23,3 lần so với năm trước đó.
Riêng tháng 1/2023, lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam đạt hơn 871.000 lượt, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mà doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc được thí điểm mở tour du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 năm nay được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.
Trong khi đó, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, ông Marko Walde, cho biết đang có hàng trăm doanh nghiệp Đức muốn mở rộng hoạt động sang Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Việt Nam bãi bỏ các hạn chế phòng dịch.
Lý giải cho việc Việt Nam trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, ông Walde chỉ ra rằng Việt Nam ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác để tạo thuận lợi và đơn giản hoá hợp tác giữa các doanh nghiệp, trong đó có FTA với Liên minh châu Âu (EU) năm 2019, và đặc biệt là do tình hình chính trị ổn định của đất nước trong nhiều năm qua.
Cùng chung đánh giá này, bài viết trên nhật báo Tribune de Gèneve của Thụy Sĩ cho rằng Việt Nam có sức hút nhờ nhiều yếu tố khác nhau như môi trường đầu tư ổn định, 15 FTA giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp với giá thành phải chăng. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến các siêu nhà máy mọc lên.
Với quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, Việt Nam giữ vững vị thế trong top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 theo xếp hạng của công ty truyền thông US News & World Report (Mỹ).
Những thành quả ấn tượng của năm 2022 sau khi Việt Nam mở cửa trở lại tạo cơ sở để tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023.
Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Antoinette Sayeh nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi ông Andrew Huntley, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư BDA Partners, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tầm trung phát triển nhanh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng 6% trong năm 2023.
Theo chuyên gia Huntley, năm 2022, mặc dù chưa trở lại mức trước đại dịch, du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như du lịch trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi và triển vọng này sẽ khả quan hơn nhiều trong năm nay, là điểm tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò đáng kể đối với kinh tế Việt Nam năm 2023, khi vị thế của Việt Nam được nâng cao trong danh sách lựa chọn của các nhà đầu tư quốc tế./.
Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)