Trứ danh gạo Nàng Thơm Chợ Đào
Câu nói “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” ca ngợi đặc sản của Cần Đước. Đó là gạo Nàng Thơm Chợ Đào được trồng tại xã Mỹ Lệ với diện tích khoảng 500ha. Mỗi năm, lúa Nàng Thơm Chợ Đào trồng 1 vụ từ thượng tuần tháng 7 Âm lịch và thu hoạch khoảng hạ tuần tháng Chạp, sản lượng khoảng 1.500 tấn.
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào được người tiêu dùng biết đến bởi độ dẻo thơm đặc trưng. Hạt gạo thon, dài, có eo (hình dấu ngã), hạt gạo bóng, ở giữa có một khối trắng đục, hơi hồng được người địa phương gọi là “hạt lựu” chiếm khoảng 30-40%, tỷ lệ hạt lựu càng nhiều thì gạo càng thơm và dẻo.
Tục truyền rằng, nhờ sự giao hòa giữa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào (từ sông Vàm Cỏ Đông) và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm (từ sông Rạch Cát), được phù sa bồi đắp, đã “nuôi dưỡng” vùng đất Chợ Đào có những đặc tính thổ nhưỡng riêng. Nông dân huyện Cần Đước đã tuyển chọn một số giống lúa thơm trên vùng đất Long An để trồng. Cây lúa trồng tại nơi đây cho hạt gạo rất ngon. Nhiều người đem giống lúa Nàng Thơm trồng nơi khác thì chỉ sau một mùa là “hạt lựu” đã biến mất và chất lượng gạo cũng giảm nhiều. Bởi thế, gạo Nàng Thơm Chợ Đào từng được xếp vào danh mục những đặc sản phương Nam “tiến vua” dưới thời vua Minh Mạng.
Hợp tác xã Mỹ Lệ là đơn vị được hỗ trợ phục tráng lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Ảnh: Báo Long An
Tên gọi Nàng Thơm xuất hiện do có các giống lúa tên “Nàng” kết hợp với đặc điểm có hương “thơm” của gạo. Việc tạo ra giống lúa đặc sản Nàng Thơm Chợ Đào có thể do tính chất ngẫu nhiên cùng sự tìm tòi, hiểu biết của người dân huyện Cần Đước.
Nhiều người cho rằng, do con nước thay đổi nên gạo Nàng Thơm Chợ Đào đang dần thoái giống. Để giữ vững thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp các đơn vị khác phục tráng giống lúa này. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ là đơn vị trực tiếp được hỗ trợ. Tin rằng, trong một ngày không xa, chất lượng gạo được trở lại như xưa để ai về Cần Đước cũng vấn vương mùi hương gạo Nàng Thơm Chợ Đào.
Nếp Long An vươn xa ra thế giới
Việt Nam không chỉ được biết đến là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới mà còn là quốc gia xuất khẩu gạo nếp với nhiều loại nếp ngon, trong đó, Long An là tỉnh có lượng xuất khẩu gạo nếp đứng trong top đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Long An là địa phương có diện tích nếp lớn trong vùng ĐBSCL, chiếm khoảng 25-35% diện tích lúa của toàn tỉnh. Huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Hòa đã hình thành vùng chuyên trồng lúa nếp. Tỉnh đã phục tráng và xây dựng quy trình canh tác các giống nếp phổ biến nên nếp Long An được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm sự đồng đều về chất lượng, được đánh giá có chất lượng vượt trội so với các loại nếp cùng loại. Nếp Long An có hạt dài, trắng đục, đều màu, có nhiều giá trị dinh dưỡng, khi nấu lên cho cơm rất dẻo, vị ngọt nhẹ và hương thơm tự nhiên.
Nếp Long An được chế biến và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh Báo Long An
Nhờ có thương hiệu và chất lượng tốt mà nếp Long An được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng, tiêu thụ ổn định. Nhiều doanh nghiệp lớn của Long An như: Công ty TNHH Dương Vũ, Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, Công ty CP Tân Đồng Tiến,... đã tạo nên thương hiệu và phát triển ổn định thị trường đối với gạo nếp Long An tại Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan.
Chanh không hạt tạo giá trị kinh tế
Đến nay, cây chanh không hạt được trồng tại Long An với diện tích khoảng 11.000ha thuộc khu vực các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa,... và nhiều nhất là tại huyện Bến Lức.
Chanh không hạt đang được các ngành, địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ thông qua sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc sản xuất và liên kết tiêu thụ được chú trọng thông qua nhiều hình thức như nông dân và doanh nghiệp, giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân. Chanh không hạt hiện có mặt tại nhiều nước, trong đó có những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc,...
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt, hiện nay, không chỉ xuất khẩu và đưa ra thị trường các loại trái tươi mà chanh không hạt còn được doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến thành các sản phẩm như rượu, mứt, sản phẩm sấy khô, bột, nước cốt, nước sốt,... để tăng chuỗi giá trị. Đây cũng là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, không ít nông dân trở thành tỉ phú nhờ trồng chanh.
Chanh không hạt được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: Báo Long An
Một trong những doanh nghiệp có niềm đam mê và bỏ nhiều công sức để gia tăng chuỗi giá trị cho chanh không hạt là Giám đốc Công ty Cổ phần TM&ĐT Chanh Việt - Nguyễn Văn Hiển. Theo ông Hiển, xây dựng thương hiệu cũng lắm gian nan, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu đến đầu tư nhà máy chế biến. Khi Chanh Việt đã có sản phẩm chế biến chất lượng thì việc tìm kiếm thị trường lại không đơn giản. Để có thể đưa sản phẩm Chanh Việt vào thị trường Nhật Bản, ông và các cộng sự phải thực hiện nghiêm theo các tiêu chuẩn do Nhật yêu cầu. Ngoài thị trường Nhật, ông Hiển còn chế biến nhiều loại thực phẩm khác xuất khẩu sang Hàn Quốc,... Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái chanh và các loại nông sản khác của Long An, Chanh Việt đã tạo ra những dòng sốt rất được thị trường ưa chuộng. Gần đây nhất là sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty có sử dụng sản phẩm từ chanh, được thị trường tiếp tục tin dùng.
Đậu phộng Đức Hòa
Nhắc đến những nông sản đặc trưng của Long An không thể không nhắc đến đậu phộng Đức Hòa thơm ngon nức tiếng gần xa.
Đậu phộng là giống cây truyền thống của huyện Đức Hòa. Đậu phộng Đức Hòa khi thưởng thức có vị béo ngọt, giòn và thơm. Những năm trở lại đây, nhiều người biết đến các sản phẩm từ đậu phộng Đức Hòa bởi được nhiều đơn vị tham gia chế biến thành các món ăn như đậu phộng rang tỏi ớt, rang muối, kẹo đậu phộng,...
Ông Đoàn Văn Phước - chủ Cơ sở đậu phộng rang Hữu Lộc (Đức Hòa), có thể được xem là người mang hương vị đậu phộng “đi xa”. Ông Phước chia sẻ, nhờ chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức, đậu phộng rang thương hiệu Hữu Lộc hiện không chỉ tiêu thụ trong huyện, tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành khác như TP.HCM, An Giang, Đồng Nai, siêu thị BigC. Để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ông còn thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký mã vạch và in trực tiếp lên bao bì từng sản phẩm để người dùng có thể nhận biết, truy xuất và tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng./.
Theo Báo Long An