Công bằng xã hội là một chủ trương lớn, quan điểm nhất quán của Đảng ta, thể hiện bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng. Trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước hiện thực hóa.
Nền kinh tế đất nước tăng trưởng liên tục và tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế theo định hướng XHCN chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, trong đó công bằng xã hội luôn được đảm bảo thu hẹp, loại trừ những bất công trong xã hội.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
PGS.TS Hồ Trọng Hoài – nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là mục tiêu xuyên suốt của công cuộc xây dựng CNXH mà Đảng ta khởi xướng và kiên trì thực hiện và cũng đã đạt được những kết quả tích cực.
“Công bằng là một trong những giá trị lớn mà Đảng ta theo đuổi, không chỉ Đảng ta mà đây còn là một giá trị lớn mà nhân loại đang theo đuổi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán và kiên trì thực hiện mục tiêu công bằng. Trước hết, Đảng ta chủ trương thực hiện công bằng xã hội, tức là nhằm đảm bảo cho các thành viên xã hội được hưởng thụ tương xứng với những đóng góp của họ cho xã hội, đảm bảo cuộc sống của mọi thành viên trong cộng đồng, dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là nhóm người yếu thế, nhóm xã hội khó khăn, đảm bảo thực hiện an sinh xã hội, thực thi triết lý “không để ai bị bỏ lại phía sau”- PGS.TS Hồ Trọng Hoài nhấn mạnh.
Theo TS Lê Tiến Hùng – Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng chung của toàn xã hội, hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm. Vì vậy, trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều tạo điều kiện cần và đủ để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.
Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là các mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
“Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền con người, coi con người là chủ thể, là trung tâm. Con người ở đây là nhân dân Việt Nam, trước hết là giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp lao động khác” - TS Lê Tiến Hùng cho biết.
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn –Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Chủ trương, chính sách đó đã thấm sâu vào người dân, khích lệ nhân dân đồng lòng tham gia xây dựng, phát triển đất nước.
“Mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều bắt đầu từ người dân và tập trung đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân. Chủ trương ấy đã đi vào cuộc sống, đã vận động, thu hút được rất nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần của nhân dân cho sự phát triển kinh tế- xã hội để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay” - PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế -xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%, đến nay hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua.
Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết, trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây nay đã được khống chế thành công. Đó là minh chứng rõ nét cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, hướng tới đảm bảo tốt nhất của đa số người dân với lẽ công bằng, đồng thuận./.
Tiến Anh/VOV1