Tháng 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước - tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương. Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung là ngành sản xuất và phân phối điện với mức tăng gần 22%.
Cả nước có hơn 27.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động - tăng 5,5% so với cùng kỳ 2023. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53.900 doanh nghiệp, tăng gần 23%. Nếu tính theo khu vực kinh tế, số doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng thành lập mới nhiều nhất.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách ước đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 40%, trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,3 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện ước đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 10% và chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước, tập trung thị trường Hoa Kỳ và đa phần thuộc lĩnh vực xây dựng.
Tháng Một là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động phục vụ nhu cầu tiêu dùng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 524.000 tỷ đồng, tăng 8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến ngày 15/1 đạt gần 30 tỷ USD, tăng hơn 5%. Trong đó, xuất khẩu tăng 4%; nhập khẩu tăng gần 7%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 0,38 tỷ USD.
Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 tăng gần 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng hơn 2,7%.
Tháng 1/2024, hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế đã đến với Việt Nam - tăng gần 74% so với cùng kỳ 2023.