Đêm trước, con gái nhỏ của tôi thỏ thẻ: "Tối mai Trung thu, thành phố nới lỏng, mình có thể lượn ra phố được không mẹ?".
Mặc dù rất thấu hiểu cảm giác muốn được hít thở không khí đường phố sau hai tháng ngồi trong nhà của con gái, nhưng gia đình chúng tôi vẫn quyết định "phá cỗ trông trăng" trên ban công vẻn vẹn 5m2 nhà mình.
Không phải vì không có quyền ra phố, mà vì chúng tôi biết dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, cần phải bảo vệ an toàn cho bản thân để mong nhân lên niềm vui nới lỏng của thành phố được dài lâu.
Nhưng đêm Trung thu và cả sáng hôm sau, đọc báo, tôi tá hỏa khi nhìn dòng chảy nườm nượp người xe trên khắp các đường phố, ngõ ngách của Hà Nội. Tôi nhận ra quyết định của mình thật sáng suốt, và rồi một cảm giác lo sợ mơ hồ "nhỡ đâu đấy", "biết đâu đấy" xuất hiện...
Người Hà Nội đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 từ ngày 24.7. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên "đóng cửa", nhưng lại là lần "đóng cửa" dài nhất đối với người dân thành phố.
Trong suốt 2 tháng qua, mỗi người chúng tôi đều đã thấm cảm giác "bức bối" trong khuôn khổ những bức tường là như thế nào, thèm vô cùng được hít thở không khí náo nhiệt của phố xá, tham gia vào cảnh tắc đường mà thường ngày vẫn hay buông tiếng phàn nàn.
Thèm tới mức ngay khi biết thành phố sắp được nới lỏng, điều đầu tiên mà tôi và bạn bè ước ao là được dong xe chạy dọc những con phố quen thuộc, hít hà hương mùa thu lãng đãng đang ở rất gần.
Điều đó thật dễ hiểu và cũng phần nào cảm thông đối với dòng người xe lao ra đường trong đêm rằm Trung thu. Là bởi sau những ngày dài đằng đẵng trong những ngôi nhà nhỏ hẹp, họ đều muốn được trải nghiệm cảm giác của "tự do giữa đất trời", là bởi niềm vui ra phố giống sự kìm nén được giải tỏa đúng dịp.
Cảm xúc nhất thời tự nhiên ấy của con người đã lấn át đi lý trí trong nhiều người về dịch bệnh vẫn đang rình rập nguy hiểm ngoài kia.
Ngay từ những ca bệnh đầu tiên của làn sóng thứ 4 xuất hiện ở Hà Nội, chính quyền và người dân thành phố đều nhận thức mức độ nguy hiểm của đại dịch hơn trước đó và cũng rất nỗ lực để kiểm soát nó.
Để đến khi được nới lỏng, chúng tôi, những người dân thủ đô, cảm thấy may mắn hơn rất nhiều những người bạn của mình ở phương Nam vẫn đang phải gắng gồng với dịch bệnh.
Nhưng cái cách biểu thị đổ ra đường như đêm Trung thu của nhiều người dân thành phố làm chúng tôi lo lắng đến thắt lòng. Lo lắng thật sự, không còn là chủ quan đối với mỗi cá nhân nữa mà là sự lơi lỏng bất chấp mọi thành quả 2 tháng qua của cả thành phố.
Và đáng sợ hơn là chúng tôi vẫn chưa thể quên bài học về bùng phát dịch bệnh sau nới lỏng của rất nhiều quốc gia và ngay trong chính thành phố của mình.
Và nhỡ đâu chỉ cần trong đám đông kia có vài ca F0 thì liệu tình thế sẽ ra sao? Vòng quay truy vết, cách ly, điều trị sẽ lại tiếp diễn, thậm chí cả nguy cơ chúng tôi phải quay lại những ngày chôn chân trong những bức tường nữa. Ai mà đoán trước được?
Dịch bệnh đã kéo quá dài, làm thay đổi quyền được ra đường tụ tập bình thường vào mỗi dịp lễ, Tết của mỗi người. Các nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã quá tải. Họ cũng cần có một cuộc sống bình thường... Nhỡ đâu dịch bệnh quay lại thì sao?
Bất chợt tôi nghĩ giá như mỗi người dân Hà Nội tuân thủ quy định của Chỉ thị 15, 5K và chỉ quây quần đón Trung thu trong ánh trăng vằng vặc trên ban công, khoảng sân, ngõ xóm nhà mình... thì sẽ không có nỗi lo "hậu Trung thu" như hiện nay với nhiều người Hà Nội.
Và tôi ước mong trong đám rước khổng lồ ấy không có điều đáng tiếc nào xảy ra, để chúng tôi không phải nói lại những lời "giá như" thêm một lần nào nữa.
Nguồn TTO