Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ đề xuất khuyến khích, bảo vệ mọi cán bộ có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.
Trường hợp cán bộ triển khai đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không đạt, chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp như: Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.
Trường hợp khác được bảo vệ là cán bộ thực hiện đề xuất chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo về việc chấm dứt thực hiện nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục; cán bộ chấm dứt ngay việc thực hiện khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; được xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt hoặc đã qua đời.
PGS.TS Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc ban hành Nghị định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là vô cùng cần thiết. Bởi bối cảnh hiện nay đang tích cực đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng có một bộ phận cán bộ có tư tưởng vo tròn, sợ sai, giữ mình an toàn nên rất ngại những thứ đổi mới, sáng tạo.
Theo ông, điểm mấu chốt khi xây dựng nghị định chính là phả nên i làm rõ, cụ thể ranh giới giữa cái đúng - cái sai, giữa làm vì tập thể, cái chung với tính chất cá nhân, lợi ích nhóm; thậm chí là núp bóng, nhân danh dám nghĩ, dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân.
“Trong nghị định cố gắng phân loại cán bộ và quy định cụ thể việc gì không được làm, việc gì được làm, đặc biệt là lĩnh vực nào có thể vận dụng sáng tạo thì mới giúp cán bộ linh hoạt sáng tạo. Nếu không không có ai dám làm, nhất là trong bối cảnh nhiều người bị xét xử về trách nhiệm trong giai đoạn trước, dẫn đến một bộ phận cán bộ sợ chịu trách nhiệm. Nhất là hiện nay có những đổi mới chưa rõ về lý luận, nhiều người nói không biết làm thế nào là đúng, làm thế nào là sai? Do đó, cần phải quy định cụ thể”, PGS.TS Nguyễn Văn Giang cho biết.
Nhắc lại phản ánh của đại biểu Quốc hội nói: “Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, ông Nguyễn Văn Giang cho biết, tình trạng này là có nhưng không phải phổ biến. Khi nhận chức vụ, cán bộ lãnh đạo phải lượng sức của mình xem có đủ bản lĩnh, năng lực, trình độ để đảm đương hay không. Nếu xét thấy bản thân không có đủ bản lĩnh thì không nên đảm nhận; còn khi đã nhận thì phải thực thi đúng nhiệm vụ của mình. Do đó, về nguyên tắc, nếu người nào không dám nhận trách nhiệm, không dám làm thì nên rút lui, nhường vị trí cho người khác.
“Các đồng chí lãnh đạo đã nói, chúng ta không thiếu cán bộ, có rất nhiều người có năng lực, tài năng có thể làm được. Do đó, người nào không dám làm thì nên tự nguyện từ chức để tổ chức bố trí người khác. Còn phản ứng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” là tiêu cực, điều đó thể hiện bản lĩnh cán bộ chưa tốt, chưa cao, chưa biết thế nào là đúng, là sai thì không xứng đáng với vị trí đó”, PGS.TS Nguyễn Văn Giang cho biết.
Làm rõ ranh giới giữa sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung với lợi ích cá nhân
PGS.TS Ngô Thành Can (giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia) kiến nghị, cần sớm ban hành quy định bởi đây sẽ là cơ sở, nền tảng để động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phân định, làm rõ ranh giới giữa sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và cần phải nghiên cứu cho đồng bộ với những quy định liên quan.
“Cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm thì trước hết phải vì dân, vì nước, “việc gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm, việc vì có hại cho dân thì hết sức tránh". Thực tế cũng đã xảy ra, có người nhân danh tập thể nhưng để làm lợi cho cá nhân”, ông Ngô Thành Can đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, cụ thể hóa bằng những quy định để bảo vệ người năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” để lọc những người “núp bóng” sáng tạo, đổi mới mà phục vụ lợi ích cá nhân. Đồng thời có cơ chế xử lý những người cản trở, gây khó khăn cho người thực hiện đổi mới, sáng tạo.
Góp ý vào dự thảo Nghị định, ông Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, ý tưởng đổi mới, sáng tạo không chỉ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà cần bao gồm cả quá trình tham mưu của công chức, viên chức. Do đó, cần thống nhất đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định là tất cả cán bộ công chức, viên chức chứ không chỉ với người giữ chức vụ lãnh đạo.
Về nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ, theo dự thảo: Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng. Ông Đạo cho biết, nếu quy định được ban hành sẽ giúp rất nhiều cho địa phương trong việc giải quyết những khó khăn phát sinh.
Tuy nhiên, theo ông, nếu quy định phạm vi rộng quá thì rất dễ bị lạm dụng. Do đó, đối với những nội dung đã có quy định nhưng còn chồng chéo giữa các văn bản thì có thể đổi mới, sáng tạo. Còn những nội dung đã có quy định và không chồng chéo thì dù có đổi mới, sáng tạo cũng phải thượng tôn pháp luật.
“Còn nếu mở quá, một vài nội dung có thể thực hiện được, nhưng cũng có một số nội dung có thể bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quy định của pháp luật”, ông Lê Minh Đạo nêu ý kiến./.
Kim Anh/VOV.VN