Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà cho các tướng lĩnh, lão thành cách mạng, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức ở TP HCM vào ngày 28-4-2021. Ảnh: NLĐ
Sài Gòn - TP HCM là điểm hẹn lịch sử, nơi kết thúc 21 năm kháng chiến trường kỳ chống xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, biến khát vọng hòa bình thành hiện thực.
21 năm và 47 năm
21 năm xông pha trong bão táp ở sào huyệt của địch, Đảng bộ thành phố đã xây dựng, mở rộng và nâng cao thế trận lòng dân; xây dựng vành đai căn cứ cách mạng ở ngoại thành; phối hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân ở đô thị với phong trào đấu tranh của nông dân ở vành đai và các tỉnh miền Nam; phối hợp giữa quân dân thành phố với quân chủ lực, tiến công địch liên tục về chính trị, vũ trang, binh vận, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với cơ sở vật chất gần như còn nguyên vẹn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thành phố đã phối hợp với 5 cánh quân chủ lực đánh vào thành phố; các lực lượng vũ trang thành phố đã chiếm giữ các cây cầu, chốt chặn các tuyến đường huyết mạch, tuyến đường sông và đánh vào sân bay... Các lực lượng quần chúng ở nội thành nổi dậy, làm tan rã chính quyền địch ở cơ sở. Cơ sở cách mạng ở nội thành đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế quan trọng...
Một trong những bài học của thời kỳ đấu tranh cách mạng là không ngừng nâng cao bản lĩnh lãnh đạo. Đó là việc nắm chắc tình hình, phát hiện và phân tích đúng vấn đề, đề ra chủ trương đúng và khéo léo tổ chức thực hiện. Từng lúc, từng nơi phải xác định đúng trọng tâm công tác, trọng điểm chỉ đạo và khâu đột phá mở đầu. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ đã bám sát cuộc sống; lắng nghe những kinh nghiệm, ý kiến của cơ sở và các tầng lớp nhân dân; cảm thông sâu sắc nỗi khổ của quần chúng, kể cả những gia đình có con em bị bắt đi lính. Mặc dù số lượng đảng viên bấy giờ không đông nhưng có lực lượng nòng cốt, cảm tình cách mạng, có căn cứ lòng dân rộng khắp và phong trào quần chúng mạnh mẽ, thu hút các giới đồng bào tham gia đấu tranh từ dân sinh, dân chủ đến yêu cầu chính trị giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
47 năm từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân TP HCM đã phát huy truyền thống, vượt qua những chặng đường gian khó, những biến cố khốc liệt thử thách bản lĩnh kiên cường và nghị lực vươn lên, giữ được thành quả cách mạng, đóng góp quan trọng vào đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển.
Vượt qua đại dịch
Thử thách cam go nhất của 10 năm đầu sau khi giành độc lập tự do, thống nhất đất nước là vượt qua những khó khăn chồng chất thời hậu chiến, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, trong điều kiện bị bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước và những rào cản của cơ chế quan liêu bao cấp. Nhiệm vụ tập trung của chính quyền bấy giờ là lo cái ăn cho dân, lo nguyên vật liệu đầu vào cho nhà máy duy trì sản xuất. Với tinh thần phải tự cứu lấy mình, lãnh đạo thành phố đã khơi dậy được sức dân, đột phá thử nghiệm đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế; sáng tạo ra những phong trào, những cuộc vận động sâu rộng với khí thế cách mạng cùng niềm tin của dân với Đảng.
Câu chuyện "xé rào" trong sản xuất, trong phân phối lưu thông hàng hóa, "làm ăn theo cơ chế thành phố" tuy khiến thành phố phải gánh chịu nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, song thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý và thực tiễn sinh động của thành phố đã có sức thuyết phục lớn. Nhiều cách làm sáng tạo, "phá rào", "xé rào" trong thực tế được ghi nhận như những "bước đột phá đầu tiên" của tiến trình đổi mới.
Khi có đường lối đổi mới, TP HCM đã tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực. Diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Các khu đô thị mới (Đông, Bắc, Tây, Nam) được quy hoạch gắn với khu vực trung tâm hiện hữu, mở đầu là Khu Nam Sài Gòn (trên con đường ra biển) với điểm nhấn là khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng từ một vùng đầm lầy. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương… đã huy động được sức dân lo cho dân.
Nhiều mô hình kinh tế, tài chính, ngân hàng và cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao... đã được nhân rộng ra cả nước. Các chỉ số về kinh tế, năng suất lao động, thu hút đầu tư, thu nhập bình quân đầu người... của TP HCM đều đạt mức cao. Quy mô kinh tế của thành phố chiếm 23% GDP cả nước và đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia.
Con đường đi tới
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua là thử thách khắc nghiệt đối với Đảng bộ và nhân dân TP HCM. Thành phố là nơi chịu tổn thất nặng nề nhất cả nước với con số tử vong trên 2 vạn người. Cùng với sự chỉ đạo của trung ương, Đảng bộ TP HCM đã huy động được các nguồn lực, dũng cảm trong chỉ đạo, điều hành giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm đưa thành phố đông dân nhất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy nét đẹp trong ứng xử và tình người của TP HCM. Đại dịch cũng thúc đẩy nhiều hoạt động thiện nguyện giàu ý nghĩa nhân văn của hàng triệu người dân.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: TTXVN
Kinh tế TP HCM lần đầu tăng trưởng âm, các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy bởi đại dịch Covid-19 là điều mà chúng ta khó có thể hình dung. Nhưng không lâu sau đó, trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế đã có nhiều khởi sắc, phục hồi nhanh và sức sống mới đang trỗi dậy.
Vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ và nhân dân TP HCM là phải nỗ lực phát huy những thành tựu đã đạt được; khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém; tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn; phát huy sức sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa. Nhiệm vụ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước là trọng trách lớn, vinh dự lớn và cũng đang là thách thức lớn.
Đảng bộ và nhân dân TP HCM đang phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP HCM và Nghị quyết XIII của Đảng với mục tiêu đến năm 2025, thành phố trở thành đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Có 3 điểm nghẽn ở TP HCM cần phải được tăng tốc tháo gỡ để tạo bước phát triển mới. Cụ thể, việc tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế là ưu tiên và cần được trung ương quan tâm đúng mức. Việc huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, trong đó có các đường vành đai, nhằm tạo sự kết nối thông thoáng không thể chậm trễ hơn. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, cần tiếp tục được kiện toàn.
Sắp tới, Đảng bộ thành phố sẽ tổng kết Nghị quyết 16-NQ/TW2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và Nghị quyết 54/1017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP HCM. Qua đó, kiến nghị những cơ chế, chính sách nhằm giải quyết những bài toán khó đang đặt ra nhiều năm tại đầu tàu kinh tế của cả nước.
Sức sống của TP HCM gắn với việc tạo ra môi trường làm ăn và môi trường sống tốt. Việc triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm của toàn Đảng bộ và người dân. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy tạo nên bước phát triển mới.
Bản lĩnh lãnh đạo của Đảng bộ TP HCM sẽ tiếp tục được khẳng định, nhất là lúc đương đầu với khó khăn thách thức. Truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nét đẹp văn hóa, tình người chính là nguồn sức mạnh đi lên của Đảng bộ và nhân dân thành phố anh hùng./.
Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM (theo NLĐ)