Thu hút nhiều tập đoàn lớn tới Việt Nam
Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của thế giới đã đến Việt Nam với mong muốn đầu tư vào lĩnh vực AI. Cuối năm 2023, tỷ phú Jensen Huang, CEO Tập đoàn Nvidia (Mỹ) đã tới Việt Nam.
“Nếu các bạn có thể cưỡi trên con sóng AI thì điều này sẽ đem tới sự tăng trưởng thịnh vượng, mở ra cơ hội mới của Việt Nam. Đây là cơ hội ngàn năm có một”, CEO tập đoàn nghìn tỷ USD Nvidia đã nhấn mạnh điều này và cam kết sẵn sàng làm đối tác của Việt Nam trong tận dụng làn sóng trên.
Tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch tập đoàn Nvidia, ông Keith Strier đã tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm trên được kéo dài 5 ngày được cho là một động thái quan trọng nhằm hiện thực hóa các cam kết hợp tác về AI và bán dẫn được đưa ra hồi tháng 12/2023 giữa Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam và ông Jensen Huang.
Đáng chú ý, FPT và Nvidia ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển hệ sinh thái giải pháp AI cho khách hàng toàn cầu. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận là FPT dự kiến đầu tư khoảng 200 triệu USD để xây dựng nhà máy AI (AI Factory), cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu, phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.
Một “ông lớn” khác là Google cũng nhìn nhận tiềm năng to lớn về AI của Việt Nam. Lãnh đạo Google Việt Nam cho biết đã đưa ra 40.000 suất học bổng Chứng chỉ nghề nghiệp của Google về AI trên khắp Việt Nam. Chương trình này sẽ trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để họ có thể phát triển bản thân trong thị trường việc làm về AI.
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các bộ ngành, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để tiếp tục làm việc và phát triển thị trường AI tại Việt Nam”, đại diện Google nhấn mạnh. Tập đoàn này mong muốn, Chính phủ nên đưa ra những chính sách mang tính hỗ trợ để thúc đẩy thành lập một hệ sinh thái AI mạnh mẽ, bao gồm những chính sách về ưu tiên điện toán đám mây.
Trong khi đó, TS. Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành “con rồng” AI, giúp thúc đẩy AI ở khu vực Đông Nam Á. "Có nhiều lý do khiến cho tôi lạc quan về quan điểm trên”, ông nói.
Đại diện Meta cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ DN Việt Nam trong phát triển đổi mới sáng tạo và thúc đẩy AI, bán dẫn, giúp các DN trở thành đối tác của các DN Mỹ.
Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các cường quốc lớn
Theo ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập LovinBot AI, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID): “Với tốc độ phát triển AI đáng kinh ngạc ở cấp độ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, lĩnh vực AI tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỷ đồng vào năm 2030”.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) trong tháng 1 năm nay, AI đã lần đầu tiên trong lịch sử chiếm sóng, trở thành chủ đề nóng hàng đầu, bên cạnh những vấn đề khác như an ninh, việc làm và khí hậu. Trong phạm vi rất rộng của AI thì GenAI (Generative AI - tạm dịch: Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) là chủ đề nóng nhất trong thời gian vừa qua.
Bà Vy Lê, Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures nhận định: “Từ danh mục đầu tư của Do Ventures, tôi thấy nhiều nhà sáng lập GenAI đã hưởng lợi khi kết hợp cùng các tập đoàn lớn, nơi có sẵn hệ thống và dữ liệu khổng lồ. Điều này đặc biệt ấn tượng khi các tập đoàn tại Việt Nam đều có chính sách hợp tác cùng các startup".
Trong lĩnh vực AI, các quốc gia tiên phong như Mỹ và Trung Quốc có lợi thế lớn về hạ tầng công nghệ, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia và cạnh tranh ở tầng ứng dụng. Theo bà Valerie Vũ - nhà sáng lập Ansible Ventures, với trí tuệ và khả năng của các kỹ sư Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể vươn ra thế giới với các ứng dụng AI.
“Trong khi các nước phương Tây chú trọng phát triển phần mềm, Việt Nam lại có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa đảm nhận phần mềm vừa không quên phát triển phần cứng,” bà Valerie Vũ chia sẻ.
Bà Valerie Vũ cũng cho biết, nhiều nhà sáng lập tại các thị trường có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển như Mỹ và Singapore đang quan tâm và tìm cách tiến vào thị trường Việt Nam. Họ tìm kiếm cơ hội kết nối với các đối tác trong nước, và tin rằng lĩnh vực AI tại Việt Nam có thể được nâng tầm với sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu. Nhiều startup phát triển hoặc ứng dụng AI trong hoạt động tin rằng lĩnh vực AI tại Việt Nam có thể được nâng tầm với sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.
AI tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực. AI và các dự án ứng dụng AI đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư không chỉ từ các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là sân chơi mới cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thử sức và thực hiện những mô hình kinh doanh mới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, việc ứng dụng AI để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ phát triển AI đang ngày càng phổ biến và xu thế chung không thể đảo ngược với sự tham gia của các tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft… Vì vậy, trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI.
Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết bài toán về quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn. Ngoài ra, sự thiếu hụt thông tin và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ để phát triển toàn diện là một trong những thách thức hàng đầu của các nhà sáng lập giải pháp trong nước.