Năm 2020 là một năm lịch sử, gian nan với đất nước ta. Trong những gian nan ấy, hình ảnh người lính đã để lại dấu ấn sâu đậm. Đó là hình ảnh những người lính ngã xuống trong thời bình trên hành trình tìm kiếm, cứu nạn người dân; là hình ảnh người lính cắm chốt xuyên đêm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào đất nước; là hình ảnh những người lính ngủ trong những lán trại dựng tạm trong rừng, nhường chỗ cho đồng bào về nước tránh dịch trong các khu cách ly... Trong dấu ấn đặc biệt đó, một lần nữa, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ tiếp tục ngời sáng.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện, ý thức rõ mức độ nguy hiểm của loại virus chết người này, quân đội tổ chức diễn tập toàn quân, toàn quốc. Chưa bao giờ ở tầm vĩ mô, quân đội lại tiến hành một cuộc diễn tập lớn như thế, từ sở chỉ huy Bộ Quốc phòng cho đến tận mỗi người lính, nhắc nhở mỗi cán bộ chiến sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ: nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Nói về cuộc diễn tập này, Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân cho rằng, tính chất và ý nghĩa của cuộc diễn tập ấy còn “khủng” hơn cả diễn tập trong chiến tranh. Bởi thời chiến, quân đội cũng chỉ diễn tập trên một hướng chiến trường, ở một vài đơn vị, một lực lượng, quân chủng, binh chủng, hay một hướng, mũi tiến công cụ thể.
Đúng như nhận định, đại dịch Covid-19 đã hoành hành khắp thế giới, Việt Nam cũng bị đe dọa với trên 1.300 trường hợp nhiễm virus này, 35 ca đã tử vong. Trong tình hình đó, quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với vai trò là lực lượng trụ cột, là rường cột của đất nước trong cuộc chiến chống dịch. Họ đã có mặt ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới khởi phát. Trong “cuộc chiến” ấy nổi lên rất nhiều câu chuyện, hình ảnh cảm động của những người lính, đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng.
Đại tá Đoàn Xuân Bộ nhớ lại, trong cuộc chiến ngăn chặn không để dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam, lực lượng bộ đội biên phòng đã tổ chức khoảng 1.600 chốt trên toàn tuyến biên giới, đặc biệt ở các đường mòn, lối mở nhằm chốt chặt xâm nhập, vượt biên trái phép mang virus vào nội địa. Tham gia cắm chốt, khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ không thể về nhà, phải hoãn cưới vợ, nhiều người trong số họ đã phát giấy mời đến họ hàng, bạn bè, có người kế hoạch ở hai bên gia đình đã xong; hay hàng chục trường hợp bố mẹ mất cũng không thể về chịu tang. Tạ lỗi với bố mẹ, khất hẹn với vợ chưa cưới và người thân, bộ đội biên phòng “căng” mình để cắm chốt trong những lều bạt chơi vơi trên rừng hàng tháng trời giữa thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ.
Trên mặt trận chống dịch, không chỉ những người lính biên phòng, mà những lực lượng làm nhiệm vụ trong các khu cách ly cũng làm tốt sứ mệnh được Thủ tướng Chính phủ giao phó là điều hành công tác cách ly trên toàn quốc, mà cũng đã trọn nghĩa với đồng bào và người nước ngoài đến Việt Nam. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ cũng như quy định của Bộ Y tế, người Việt Nam ở nước ngoài về hay người nước ngoài sang Việt Nam, trước khi hòa nhập cộng đồng phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Các đơn vị quân đội từ Bắc vào Nam tham gia đón công dân về cách ly trên các tuyến đường bộ, đường không, đường thủy; cứ xuống tới sân bay, vào tới biên giới là được đưa thẳng về các đơn vị quân đội để cách ly.
Trước khi vào những khu cách ly, đã có người tưởng tượng sẽ tới một nơi giống như trại giam nên phản ứng kịch liệt. Nhưng khi tận mắt chứng kiến và trực tiếp được chào đón, chăm sóc chu đáo ân cần, được quan tâm lo lắng như người thân, được sinh hoạt trong một không gian sạch sẽ, thoáng mát, được hoạt động thể thao, theo dõi tin tức qua đài, báo, tivi… họ mới thốt lên rằng, họ thực sự bất ngờ, họ không nghĩ mình được chăm sóc, đối đãi cẩn thận, chu đáo đến thế, và thừa nhận họ đã sai. Nhiều người khi viết cảm tưởng vào sổ lưu bút của khu cách ly đã bày tỏ: “Chúng tôi nợ Đảng, Nhà nước và quân đội một lời biết ơn sâu sắc”.
Trước khi vào những khu cách ly, họ không hề biết rằng, có những lúc cao điểm nhận lệnh đón hàng nghìn người về cách ly thì chỉ trong một thời gian ngắn, mọi cơ sở vật chất được chuẩn bị sẵn sàng tiện nghi, sạch sẽ.
Phạm Thị Thu Yên, một du học sinh ở Hàn Quốc về cách ly ở Trường quân sự Quân đoàn I (Tam Điệp, Ninh Bình) bày tỏ trong cuốn sổ lưu niệm Covid-19 của trường: “Đêm đầu tiên ngủ trên giường tầng không đệm, mình mẩy đau ê ẩm nhưng không một ai kêu ca, bởi mọi người đều hiểu rằng, những chiếc giường ấy, hàng ngày các chú vẫn sử dụng. Chúng tôi cũng biết rằng, trong khi chúng tôi được nằm giường, đắp chăn ấm, thì các chú phải ngủ trong rừng, căng bạt làm nhà, lấy áo mưa làm chiếu. Nhìn hình ảnh các chú ăn ngủ trong rừng lạnh lẽo, nguy hiểm, chúng tôi không khỏi xúc động”.
Có thể khẳng định, không nơi nào có thể có đủ phương tiện, lực lượng, điều kiện để chăm sóc cho đồng bào tốt như ở các đơn vị quân đội. Bà con được phục vụ ngày 3 bữa, thậm chí cả những chế độ ăn uống đặc biệt như cho người già, phụ nữ mang bầu, người ăn chay, trẻ em, các chú bộ đội đều quán xuyến được hết.
Trong cuộc chiến chống dịch, không thể không nhắc tới lực lượng làm nhiệm vụ phun tẩy độc, khử trùng thuộc Bộ tư lệnh Hóa học. Nơi nào có trường hợp lây nhiễm, xuất hiện mầm bệnh, là các chiến sĩ Hóa học có mặt mang theo thiết bị chuyên dụng làm nhiệm vụ tẩy độc khử trùng sạch sẽ toàn bộ khu vực. Công tác này chỉ quân đội mới có đủ lực lượng, phương tiện cũng như lòng dũng cảm để bước vào những nơi có nguy cơ lây nhiễm như thế.
Đặc biệt, cũng không thể không nhắc tới lực lượng nghiên cứu khoa học của quân đội. Với sản phẩm bộ Kit xét nghiệm của Tiến sĩ, Thượng tá Hồ Anh Sơn cùng với nhóm cộng sự của Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y đã tạo nên bước đột phá về khoa học của Việt Nam. Không chỉ ra đời rất kịp thời để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19, bộ Kit “made in Vietnam” đầu tiên có giá thành chỉ bằng ¼ giá thành bộ Kit của nước ngoài, nhưng cho hiệu quả gấp 4 lần bộ Kit của nước ngoài.
Nếu như trong cuộc chiến chống Covid-19, mỗi cán bộ chiến sĩ chiến đấu với tinh thần “chống dịch như chống giặc” để hạn chế thấp nhất sự xâm nhập của dịch bệnh; sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” dành những điều kiện tốt nhất cho đồng bào mình trong khu cách ly…, thì trong công cuộc phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không quản gian khó, không sợ hy sinh, sẵn sàng tới những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp dân chạy lũ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tìm kiếm người bị nạn... Những hành động và sự hy sinh cao cả của các anh không gì có thể bù đắp được.
Sự hy sinh của 2 vị tướng cùng hàng chục quân nhân trong đợt lũ cao điểm ở miền Trung vừa qua là mất mát quá lớn đối với quân đội trong năm 2020. Đại tá Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Từ khi Đảng ra đời, trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, quân đội chỉ mất có 2 vị tướng: Trung tướng Nguyễn Bình và Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3 ở biên giới phía Nam. Nhưng chỉ trong một trận lũ lụt vừa qua ở Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế), quân đội cũng đã mất đi 2 vị tướng do lở núi. Câu chuyện buồn này không ai có thể ngờ được. Điểm dừng chân của đoàn công tác cứu hộ là một Hạt Kiểm lâm, có thể nói, đó là địa điểm an toàn ở khu vực đó. Nhưng không thể ngờ đất đá sạt lở bị đẩy ngầm ở bên dưới từ xa cách đó hàng cây số, khiến cả một khu vực lớn bị trôi đi, vùi lấp 11 quân nhân. Sự đau đớn, mất mát vẫn chưa dừng lại, chỉ 5 ngày sau, một trận sạt lở đất trên địa bàn xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tiếp tục cướp đi sinh mạng 21 quân nhân của đoàn kinh tế quốc phòng 337”.
Trong lịch sử của quân đội, cứ mỗi trận lũ bão xảy ra, quân đội là lực lượng mạnh nhất cả về phương tiện lẫn con người, luôn đi đầu và lăn xả cứu dân. Không thể thống kê được hết đã có bao nhiêu lượt quân nhân được điều động tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Từ lúc hay tin chuẩn bị có bão, lực lượng quân đội được huy động để giúp sơ tán dân; khi lũ bão xảy ra, quân đội lại cùng với nhân dân chống đỡ, rồi khi họ gặp nạn, quân đội đến ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu đói, cứu trợ. Cơn bão đi qua, người lính tiếp tục có mặt giúp người dân dọn dẹp, ổn định đời sống.
Trong bão lũ, hình ảnh người lính cõng các cụ già, bế các em nhỏ ra khỏi những nơi nước ngập sâu khiến người ta thực sự cảm động không thể cất lời. Nhưng ít ai biết rằng, có những đơn vị, anh em sau khi đã đi cứu dân hết đêm mới quay về để cứu người nhà mình.
Tham gia cứu hộ, cứu nạn mà hy sinh nhiều đến thế thì ai dám đi? Giải đáp băn khoăn này, Đại tá Đoàn Xuân Bộ cho rằng, đó là rủi ro, mà đã là rủi ro thì không ai mong muốn và cũng không thể biết trước để mà tránh. “Thời điểm ấy, gần 2 chục công nhân bị mất tích như vậy, chậm phút nào là thiệt hại phút ấy, bản lĩnh của người lính không cho phép họ chần chừ, lo sợ. Điều ấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trước lúc bị đất đá sạt lở vùi lấp đã nói rất rõ: “Nhiệm vụ của người lính là khi dân cần thì mình phải đi cứu”.
Đã từng làm báo 30 năm, đã từng chứng kiến những vụ việc đau lòng, nhưng đợt lũ lụt vừa rồi để lại rất nhiều cảm xúc đặc biệt đối với Đại tá Đoàn Xuân Bộ bởi sự hy sinh vì dân quá lớn như thế của đồng chí, đồng đội. Nguyên nhân một phần do mưa lũ hoành hành dữ dội, lịch sử chưa bao giờ thấy. Nhưng theo Đại tá Đoàn Xuân Bộ, điều làm nên “sợi dây” đặc biệt ấy chỉ có thể hiểu đơn giản bằng 3 từ “tình quân dân”. Có người sẽ lập luận rằng, không chỉ quân đội, mà lực lượng nào thì cũng từ nhân dân mà ra, cũng đều là con em của nhân dân. Nhưng chỉ có quân đội mới giành được trọn vẹn tình cảm của người dân, và ngược lại chỉ có họ mới xả thân vì nhân dân như vậy. Bởi họ được rèn luyện, giáo dục và trưởng thành trong một môi trường rất đặc biệt do Bác Hồ đã dày công tạo dựng. Họ luôn ý thức được rằng bộ đội ta là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra; bộ đội với dân cũng là một, nhân dân cũng là ruột thịt, anh em, họ hàng, là cha mẹ của bộ đội. Thế nên bộ đội phải luôn gắn với nhân dân. Đó chính là bản chất, là truyền thống của bộ đội Cụ Hồ.
“Chừng nào dân hoạn nạn, khó khăn, người lính nghiễm nhiên lên đường với nhiệm vụ chiến đấu thời bình. Tư tưởng ấy, suy nghĩ ấy đã ngấm vào máu của người lính, trở thành “mệnh lệnh trái tim”./.
Nội dung: Thanh Hà - Ảnh: Hải Sơn-Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung - Thiết kế: Quang Huy