Về Lào Cai, người ta sẽ thường chọn địa danh Sa Pa, nhưng chuyến đi lần này, chúng tôi lại chọn Mường Khương – mảnh đất vùng biên cương với ý chí vượt lên cái nghèo và lạc hậu, biến những tiềm năng trở thành hiện thực.
Từ thành phố Lào Cai, ngược lên phía Đông Bắc, quốc lộ 4D mới được trải thảm nhựa, khá êm, uốn lượn qua những núi cao, thung sâu thơ mộng...
Khám phá cuộc sống vùng biên
Theo truyền khẩu, Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng (tiếng địa phương dịch sang tiếng phổ thông là Mường Gang). Sau này, tên gọi được biến âm đọc chệch đi là Mường Khương và đến thời Pháp thuộc danh xưng Mường Khương đã được gọi một cách thông dụng.
Huyện biên giới Mường Khương với đường biên giới dài gần 100 km, có tới 14 dân tộc cùng chung sống, nhưng đông nhất vẫn là người H’mông. Bản Lầu là một trong những xã khiến chúng tôi tò mò muốn “mục sở thị” bởi đây là xã vùng cao không còn thuộc diện 135 với tỷ lệ đói nghèo chỉ dưới 16%.
Tới Bản Lầu hôm nay, đường ô tô có thể chạy khắp 21 thôn bản. Nằm ở vành đai biên giới, Trung Quốc và Việt Nam chỉ cách nhau lòng suối Nậm Thi không đầy 3m, nhưng Bản Lầu khá yên bình. Cuộc sống của bà con dân tộc đã được cải thiện rõ, xuất hiện nhiều triệu phú nhờ canh tác chuối và dứa.
Đặc biệt, chúng tôi có cơ hội được nghỉ đêm ở nhà trưởng bản Cốc Phương. Nhà trưởng bản tiện nghi nhưng vẫn dựng theo phong cách truyền thống người H’mông với ba gian gỗ, góc bếp luôn ấm với thịt heo hun hói.
Không gian về đêm nơi đây thật dễ chịu với tiết trời se se lạnh và lý tưởng với các du khách, khi được tham quan và thưởng thức các món ăn ẩm thực, những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.
Mường Khương còn nổi tiếng là huyện sở hữu nhiều thương hiệu nông sản nhất của tỉnh Lào Cai. Dù khí hậu khô nóng quanh năm nhưng huyện vẫn có một nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm địa phương đặc sắc.
Những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng nhất của Mường Khương có thể kể đến gạo Séng Cù, đậu tương vàng và lợn ỷ Mường Khương, dứa Bản Lầu, mận hậu Cao Sơn, lê Pha Long, tương ớt, thảo quả, tam thất…
Với hướng phát triển bền vững, phần lớn những sản phẩm trên đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.
Khi dừng chân ở Đồn Biên phòng xã Pha Long, chúng tôi đã có dịp được tận mắt chứng kiến sự nhộn nhịp và đầy hương sắc ấy của phiên chợ phiên vùng cao nơi đây.
Những tiềm năng trong gian khó
Có thể thấy, cùng với các sắc màu văn hóa và sản vật vùng cao, trong bức họa đồ vùng đất biên giới Mường Khương không thể thiếu những thửa ruộng bậc thang, dải cao nguyên đá vôi với nhiều hang động và thác nước đẹp như hang Hàm Rồng, thác Tà Lâm, thác Páo Tủng, núi trống đồng Lũng Pâu, hang Tiên Nấm Oọc, cầu đá thiên tạo trên dòng suối Văng Leng.
Ngày nay, Mường Khương hợp cùng Bắc Hà và Si Ma Cai thành vùng du lịch phía Đông cũng đang được tỉnh Lào Cai kêu gọi các doanh nghiệp cùng bắt tay vào khai phá.
Ngoài ra, huyện còn có cửa khẩu quốc gia, thông thương với các huyện Hà Khẩu và Mã Quan của nước bạn. Những năm gần đây, cửa khẩu quốc gia Mường Khương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến kinh doanh.
Không thể phủ nhận, mảnh đất vùng cao này có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên nằm trên cao nguyên đá vôi, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn khiến đời sống đồng bào biên giới còn nhiều khó khăn.
Trong một cuộc trò chuyện, các cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long cho chúng tôi biết, việc thiếu nước sinh hoạt là câu chuyện thường ngày nhất ở vùng này.
Hiện nguồn nước ở nhiều gia đình chỉ đủ để nấu ăn, muốn có nước dùng sinh hoạt phải đi tới 5-7km. Không ít người dân ở đây chủ yếu chờ mưa và thường tiết kiệm nước bằng cách sử dụng nhiều lần như cùng một lượng nước, người ta có thể dùng để rửa mặt, rửa rau, rồi sau đó rửa chân, tưới cây.
Rời Mường Khương trong cái nắng oi ả, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống của một vùng biên ải vẫn chưa hết những khắc nghiệt về địa thế và thời tiết. Tuy nhiên, với sự chăm chỉ, chủ động vươn lên của người dân, tin rằng mảnh đất biên cương sẽ ngày càng khoe sắc màu mới./.
Minh Sơn (TGVN)