Về đội ngũ quan lại: Vua chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại hiền tài, thiết lập lại chế định ngạch, bậc quan lại từ Trung ương đến địa phương. Vua bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Nhà vua rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quan lại để tiến cử vào các cơ quan hành chính nhà nước, trong những năm trị vì, vua Minh Mạng xác định học vấn làm tiêu chuẩn để tuyển dụng quan lại cho bộ máy hành chính. Dưới triều ông cai trị, con đường khoa cử được thay thế con đường nhiệm tử; cứ 3 năm một lần vua Minh Mạng lại mở một khoa thi để tuyển chọn nhân tài, các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu ông mở kỳ thi Hương; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mở kỳ thi Hội; đồng thời khuyến cáo các quan cần cải tiến chế độ và nội dung thi cử quy củ, thực chất. Để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, ông cho chấn chỉnh việc học, việc thi, đặt chức học quan ở các địa phương, chu cấp lương bổng, ruộng đất cho số học quan này để họ chăm lo sự học cho xã hội.
Về xây dựng pháp luật và kỷ cương hành chính: vua Minh Mạng là người rất chú ý tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị, rất chú trọng giữ gìn kỷ cương phép nước. Ông thường lấy 4 chữ “Chính - Đại - Quang - Minh” làm tôn chỉ cho việc điều hành bộ máy hành chính. Ngoài các điều luật trong Bộ luật Gia Long, vua Minh Mạng còn định thêm các điều luật mới để xét xử những việc làm sai trái của các quan ở kinh đô và các tỉnh, định lệ việc xử phạt quan lại tham nhũng, hối lộ, định lệ việc xét các địa phương xử án hay hoặc dở, làm tiêu chuẩn để kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ quan lại [1]. Để kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống sự tha hóa quyền lực, ông mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ hồi tỵ; Những quy định trong chế độ hồi tỵ được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình dưới triều Nguyễn đồng thời, quy định rõ hình phạt nếu quan lại vi phạm các quy định về chế độ hồi tỵ, thực hiện chống tham nhũng, góp phần làm cho bộ máy hành chính triều Nguyễn được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, thao túng, thâu tóm quyền lực, tha hóa quyền lực trong bộ máy hành chính và đội ngũ quan lại các cấp.
Cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự thống nhất đất nước về mặt nhà nước; tăng cường quyền lực trong tay vua, tổ chức chính quyền chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, tăng cường tính chuyên chế; cách phân chia các tỉnh của vua Minh Mạng được dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với phạm vi quản lý của một tỉnh... đây là cơ sở để thành lập, phân chia các tỉnh như ngày nay.
Phan Bội Châu, nhà yêu nước đầu thế kỷ XX nổi tiếng với Phong trào Đông Du (Ảnh tư liệu)
Trào lưu Duy Tân (đổi mới) đầu thế kỷ XX
Đầu thế kỷ XX, những ảnh hưởng tư tưởng từ bên ngoài cộng với những biến đổi về xã hội, kinh tế trong nước đã tạo điều kiện cho tư tưởng dân chủ tư sản bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các cộng sự của ông đã dấy lên cuộc vận động Duy Tân trên khắp cả nước (đầu tiên là ở Quảng Nam).
Trào lưu cải cách Duy Tân có ba mục tiêu đổi mới: chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Nghĩa là phải thức tỉnh lòng yêu nước, mở mang trí tuệ cho dân và làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được no đủ. Trên cơ sở đổi mới đó sẽ vận động nước Pháp cải cách bộ máy cai trị. Thực hiện dân chủ tiến được bước nào chắc bước ấy mới hy vọng về sau được [2].
Năm 1901, nhà cách mạng Phan Bội Châu và Đặng Thái Thân dẫn đầu định ra một kế hoạch hành động lớn gồm ba điểm: 1) Liên kết với người đảng cũ Cần Vương, các trai tráng ở chốn sơn lâm xướng khởi nghĩa quân, đánh giặc trả thù với thủ đoạn bạo động; 2) Kén chọn một vị minh chủ trong Hoàng thân, ngầm liên kết với những người có thế lực ở trong triều làm nội viện và tập hợp với cả những người trung nghĩa ở Nam Bắc để cùng nhau hành động; 3) Nếu hai kế hoạch trên cần đến ngoại viện thì sẽ xuất dương cầu viện [3].
Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX được khởi đầu ở Quảng Nam đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của nó và vai trò lãnh đạo của những sĩ phu yêu nước, tiến bộ. Phong trào có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, trình độ giác ngộ và tinh thần đấu tranh của nhân dân đòi nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách cai trị.
Ý nghĩa đối với công cuộc cải cách hành chính hiện nay
Như vậy, trong lịch sử dân tộc đã có rất nhiều cuộc cải cách được tiến hành và mỗi cuộc cải cách đều có sứ mệnh lịch sử riêng, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử. Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những bối cảnh khác nhau, những yêu cầu quản lý khác nhau đòi hỏi những mục tiêu và biện pháp cải cách đặc thù, phù hợp và đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho đất nước phồn thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Dù được nhìn nhận ở góc độ nào thì giá trị trường tồn của những cuộc cải cách đó với những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra vẫn luôn được kế thừa, vận dụng và phát huy trong quá trình cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược trên cơ sở nắm bắt những ưu điểm, hạn chế, thời cơ và thách thức để thực hiện những biện pháp đổi mới trong cải cách hành chính Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cũng là những thời cơ to lớn đó là tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ thông tin, quá trình dân chủ hóa, và nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu…
Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với nền hành chính, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo thế và lực cho nền hành chính thống nhất từ trung ương tới địa phương, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.
Phan Châu Trinh với chủ trương nổi tiếng đầu thế kỷ XX của ông (Ảnh tư liệu)
Hai là, cần phát huy mạnh mẽ vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính. Trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính có trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác cải cách hành chính; trách nhiệm trong việc xử lý các khuyết điểm, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ba là, cải cách từ con người và vì con người. Mục tiêu của các cuộc cải cách hành chính đều hướng tới một nhà nước của dân, do dân, vì dân, bảo đảm sự bình an, hạnh phúc cho xã hội. Đây thực sự là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả cải cách hành chính cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cải cách hành chính được nhìn nhận sự thành công nếu hội tụ các yếu tố: 1) Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; 2) Chú trọng khâu “đột phá”; 3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra. Thông qua công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những vướng mắc hoặc sai sót trong thực hiện nhiệm vụ được giao, ghi nhận và biểu dương những sáng kiến cải cách hành chính, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm.
Ngày nay, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng và vận hành Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp, việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng, kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu từ các cuộc cải cách trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước vẫn luôn là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng.
Đinh Thanh
[1]. Bộ Nội vụ: Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại, Kỷ yếu Hội thảo năm 2018, tr.18.
[2]. Huỳnh Lý: Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng,1993
[3] . Tủ sách tài liệu sử: Phan Bội Châu niên biểu, Nhóm nghiên cứu Sử địa xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr.25-26.