Còn nhiều bất cập
Việt Nam hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới với trên 55,33 triệu lao động (LĐ) từ 15 tuổi trở lên, chiếm 75,39% dân số. So với nhiều nước trong khu vực, tỉ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đến đến cuối năm 2019, mới có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021.
Cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch còn bất hợp lý. Tỉ lệ lao động có trình độ cao ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành chủ lực quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (chỉ chiếm 9% tổng số lao động trong khi các nước phát triển lên đến 40-60%. Tình trạng mất cân đối về lực lượng lao động, năng suất lao động dù đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng còn khoảng cách với nhiều nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề của nhiều cơ sở giáo dục còn chưa thật sự gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; trường nghề chưa chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trong số 79 doanh nghiệp tham gia khảo sát có đến 46,2% doanh nghiệp không có quan hệ với trường nghề; chỉ có 12,3% doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên nhưng hình thức phổ biến nhất cũng chỉ dừng lại ở tiếp nhận người học đến thực tập. Một số doanh nghiệp tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp và cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo; việc doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng giáo trình, tổ chức đào tạo còn rất hạn chế.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh; internet
Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp dường như bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân. Ngay cả tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng rất khó khăn, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. Dữ liệu các em học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD-ĐT cũng làm riêng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu.
Theo mục tiêu của ngành Giáo dục, mỗi năm phải phân luồng được khoảng 30% học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở theo học các trường nghề, 70% còn lại sẽ vào lớp 10 khối Trung học phổ thông. Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm qua, số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tham gia học nghề chưa đến 10%.
Ngoài ra, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định có đến 3 khung thời gian đào tạo sau lớp 9 là trung cấp 1-2-3 năm và đều cho ra một loại văn bằng gọi là trung cấp (diploma). Điều này không phù hợp tiêu chuẩn nghề nghiệp và các quốc gia khác không công nhận văn bằng loại này, bởi vì không có quốc gia nào có loại đào tạo trung cấp chỉ 1-2 năm, bỏ qua các môn học văn hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH, cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp chưa hợp lý hiện nay cũng là điểm hạn chế phải suy nghĩ. Đào tạo sơ cấp, ngắn hạn chiếm 75%, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25% trong tổng số tuyển sinh.
Cần giải pháp đột phá
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có ba vấn đề mấu chốt trong giáo dục nghề nghiệp: Hệ thống cơ chế, chính sách; Chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ba vấn đề này giải quyết tốt mới tác động mạnh mẽ đến vấn đề thứ tư là tâm lý xã hội, thể hiện trong xu thế lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. "Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau mới có thể tạo thành một chỉnh thể Giáo dục – Đào tạo. Đến lúc giáo dục cũng phải được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học.
Cần có sự thay đổi về nhận thức từ cơ quan quản lý chính sách, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xuống đến các cơ quan thực thi. Đổi mới cơ chế hoạt động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tạo ra cơ hội mới trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước; doanh nghiệp; Được trình duyệt các dự án đầu tư theo cơ chế khoán; làm việc theo năng lực và hưởng thụ theo năng lực; khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường lao động và nhu cầu xã hội.
Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ đối với người học; hình thành mạng Trường THPT – Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp – Doanh nghiệp – Tổ chức cung ứng lao động.
Mô hình trường nghề trong doanh nghiệp có lợi thế về đào tạo cao hơn. Ảnh: Internet
Hoàn thiện chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội (đào tạo theo nhu cầu thực tế mà xã hội đang cần, chứ không phải theo chương trình đang có). Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đào tạo liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thực hiện cam kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào tạo; cam kết với học sinh ra trường được giới thiệu việc làm; công khai các vị trí việc làm tại các doanh nghiệp của từng nghề đào tạo đến các em học sinh sinh viên khi đăng ký học tập tại trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệpnhằm tăng cường các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhà trường.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Trường Cao đăng Cơ điện Hà Nội cho rằng một trong những yếu tố nâng chất lượng đào tạo nghề thì việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp phải xác định là khâu đột phá. Cần nghiên cứu xây dựng "hệ thống đào tạo kép" với sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề; coi việc doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề là hình thức tuyển dụng tốt nhất. Người học trong "đào tạo kép" là được đào tạo liên quan tới nhu cầu thị trường, giúp họ cải thiện cơ hội việc làm, cơ hội nâng cao kỹ năng đáp ứng những đổi mới mới nhất của thời đại kỹ thuật số, công nghệ lần thứ tư, mở rộng cơ hội tham gia xã hội và hội nhập.
Một số ý kiến cũng đề nghị có chính sách khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp. Ông Dương Nam, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng cần có cơ sở pháp lý để cho phép các trường cao đẳng chất lượng cao, trường cao đẳng trọng điểm tổ chức các hoạt động như một doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng phân tầng. Trong đó, tầng giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao được Nhà nước đầu tư có trọng điểm. Tầng giáo dục nghề nghiệp tự chủ gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp. Tầng giáo dục nghề nghiệp đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo đề án./.
PV tổng hợp theo Diễn đàn doanh nghiệp