Công nhân tại May 10. Ảnh: Hoàng Anh
Từ những ngày đầu chỉ sản xuất được 200 – 300 sản phẩm mỗi ngày, chị Phùng Thị Hạnh, công nhân tại Xí nghiệp sơ mi Hà Nội, Tổng công ty May 10, đã nâng cao năng suất lên 700 – 800 sản phẩm, chỉ sau khoảng năm tháng làm việc.
Hơn một năm sau, chị Hạnh đạt năng suất 1.400 sản phẩm mỗi ngày, cao hơn 50% so với những đồng nghiệp ở cùng công đoạn. Từ đó, không chỉ nhận được mức thu nhập cao, chị Hạnh còn nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu quý giá.
Không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và chủ động kiểm soát thời gian, mục tiêu công việc là bí quyết giúp chị Hạnh đạt năng suất lao động vượt trội. Tuy nhiên, những yếu tố đó vẫn là chưa đủ.
Từ thực tiễn tại Tổng công ty May 10, nữ công nhân cho biết, người lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ nâng cao năng suất nếu được đáp ứng những cơ sở vật chất quan trọng như trường mầm non, trung tâm y tế, trường cao đẳng nghề.
“Những phúc lợi đó khiến người lao động có đủ điều kiện để phát triển bản thân, yên tâm công tác. Tôi mong muốn có chính sách nhân rộng mô hình này tới các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ”, chị Hạnh nói tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024.
Còn đối với chị Trương Thị Thu Hà, nhân sự tại Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), nâng cao năng suất đòi hỏi ở người lao động tính sáng tạo, không ngừng phát huy, cải tiến kỹ thuật.
Thực tế ở BSR, các phong trào lao động sáng tạo đã trở thành “cái nôi” cho nhiều công nhân trực tiếp sản xuất vươn lên trở thành những đốc công, trưởng ca, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý. Nhiều người sau này đã trở thành giám đốc phân xưởng, giám đốc khu vực, đánh dấu sự trưởng thành mới của giai cấp công nhân.
Từ thực tiễn đó, để nâng cao năng suất cho người lao động dựa trên trí tuệ và sự sáng tạo, doanh nghiệp cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, có tư duy tôn trọng nhân tài, sẵn sàng trao cơ hội phát triển. Được đền đáp xứng đáng, người lao động sẽ phát huy tốt năng lực bản thân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, từ góc nhìn công đoàn, ông Phan Tuấn Anh, Chủ tịch công đoàn Công ty Honda Việt Nam, nhận định, doanh nghiệp tôn trọng người lao động, cho phép tự đưa ra sáng kiến, ý tưởng, kiến nghị, giải pháp sẽ giúp người lao động tự tin hơn và mong muốn cống hiến, làm việc tốt hơn.
Bên cạnh đó, quy chế dân chủ được thực hiện tốt, thông qua việc doanh nghiệp giải quyết kịp thời và thỏa đáng kiến nghị, đề xuất, bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng là yếu tố tạo dựng niềm tin và tinh thần làm việc tích cực, hiệu quả.
Những điều này được tạo dựng thông qua văn hóa doanh nghiệp, một mặt khuyến khích sự chủ động, ước mơ, sáng tạo, ứng xử công bằng, mặt khác đặt vị trí người lao động vào trung tâm để có những chính sách quan tâm, hỗ trợ phát triển cần thiết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng chính là động lực quan trọng thúc đẩy năng suất lao động.
Bà Lan cho biết, mọi lao động đi làm đều quan tâm đến tiền lương, đặc biệt là lao động có thu nhập thấp. Thực tế chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ thuận một cách chặt chẽ giữa lương, thưởng, phúc lợi với động lực cũng như sự hài lòng và toàn tâm trong công việc.
“Người lao động dù muốn gắn bó với công ty nhưng không thể ở lại mãi công ty lương thấp”, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cố tình trả lương, thưởng, phúc lợi thấp cũng sẽ không tiết kiệm được tiền, do phải tiêu tốn nguồn lực để kiếm lao động mới, bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi người lao động giảm năng suất. Trong tình thế đó, công nghệ, máy móc hiện đại cũng trở nên vô nghĩa.
Còn chi trả các khoản lương, phúc lợi xứng đáng, người lao động không chỉ yên tâm công tác lâu dài mà còn giảm bớt gánh nặng cuộc sống, từ đó có thời gian và tâm trí để nâng cao trình độ, tay nghề.
Chính vì vậy, bà Lan đề xuất Chính phủ và Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng để tiền lương thực sự trở thành động lực gia tăng năng suất.
Bên cạnh đó, kiến nghị tăng cường độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, có chính sách liên quan đến phúc lợi nhà ở, bệnh viện, trường học để tạo môi trường thuận lợi và phù hợp cho người lao động phát triển.
Còn ông Tuấn Anh kiến nghị, Chính phủ cần có những chế tài cụ thể để xử phạt doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các quy định dân chủ tại doanh nghiệp, bên cạnh việc tăng cường tổ chức các buổi thảo luận để công đoàn và người sử dụng lao động trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng quy chế dân chủ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Theo The Leader