Bối cảnh vĩ mô tốt lên “bất ngờ”
Hàng loạt các thông tin vĩ mô sau tháng 6 bất ngờ “tốt hơn dự kiến”, theo đánh giá của hầu hết các nhà phân tích. Điển hình như câu chuyện tín dụng tăng đột biến trong tuần cuối cùng của quí 2, với mức tăng 1,5 điểm phần trăm, đưa mức tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm lên con số 6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ.
Trước đó, cũng đã có không ít các lãnh đạo ngân hàng Việt Nam nói rằng tăng trưởng tín dụng đang thấp hơn kỳ vọng trong sáu tháng đầu năm, vì nhu cầu thị tường suy giảm cả ở khối doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân.
Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 16-7, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, con số tăng trưởng tín dụng cuối quí 2 vừa qua tốt lên có thể vì yếu tố mùa vụ, nhưng riêng tại ngân hàng vẫn thấp hơn so với mức kỳ vọng đặt ra. Trong nửa đầu năm, UOB tăng trưởng tín dụng khoảng 10%.
Trong khi nhu cầu chung được đánh giá là suy giảm, tốc độ tăng trưởng GDP lại vượt kỳ vọng. Theo đó, tăng trưởng GDP quí 2 đạt 6,9%, ghi nhận là mức cao nhất trong 7 quí vừa qua.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. “Kết quả này vượt dự báo của chúng tôi, chủ yếu nhờ công nghiệp, xây dựng và tăng trưởng dịch vụ tốt hơn dự kiến”, ông Brian Lee Shun Rong, Kinh tế gia của Tập đoàn MayBank Investment Bank đánh giá.
Trong khi đó, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, đánh giá các nhân tố chính thúc đẩy gồm thương mại tăng trưởng hai con số, sự phục hồi trong hoạt động sản xuất và dịch vụ, chi tiêu người dân cùng lượng khách du lịch tăng trong bối cảnh nhà đầu tư FDI tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam.
Sau khi những con số vĩ mô nửa đầu năm được công bố, hàng loạt các tổ chức lớn đều cập nhật dự báo tăng trưởng mới. Hầu hết đều mạnh dạn đưa ra kịch bản tăng trưởng cao hơn.
Chẳng hạn, tập đoàn Maybank điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên mức 6,4% từ mức 5,8% trước đó. Theo ông Brian, động lực đến từ nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đi cùng dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tăng công suất, cho phép Việt Nam tham gia phần lớn hơn trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, tờ Reuters dẫn lại thông tin Ngân hàng HSBC cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP lên mức 6,5% so với con số 6% trước đó, sau khi tăng trưởng trong quí 2 vượt dự báo và đánh giá rằng “sự phục hồi bắt đầu có dấu hiệu mở rộng”.
Không chỉ có các định chế tài chính quốc tế lạc quan hơn về tăng trưởng của Việt Nam, các nhà quản lý cũng đưa ra những kịch bản tươi sáng hơn. Thậm chí, Chính phủ vừa cập nhật mới mục tiêu tăng trưởng GDP lên mức 6,5-7%, cao hơn con số kế hoạch 6-6,5% Quốc hội đặt ra hồi đầu năm và cũng là mức dự báo phổ biến của các tổ chức quốc tế.
Rủi ro vẫn còn lớn
Trong báo cáo cập nhật tăng trưởng của khu vực châu Á Thái Bình Dương tháng 7 vừa công bố của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng GDP của các nước châu Á đang phát triển thêm 0,1 điểm phần trăm, nhưng vẫn duy trì mức 6% đưa ra hồi tháng 4 đối với Việt Nam.
Theo đó, tổ chức này đánh giá rằng nhu cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ chốt đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm vẫn tạo ra một số bất ổn.
Trên thực tế, yếu tố rủi ro đối với tăng trưởng là câu chuyện của những biến số vĩ mô chưa chắc chắn, trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn đang “đặt cược” vào thời điểm lãi suất đồng đô la Mỹ bắt đầu giảm.
“Cần phải xem xét thêm những con số vĩ mô trong những tháng tiếp theo, khi đó mới có cơ sở để dự báo, trong khi những rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát và câu chuyện lãi suất vẫn còn”, ông Suan Teck Kin, Tập đoàn UOB, đánh giá. Định chế tài chính này vẫn duy trì mức dự báo 6% đưa ra trước đó.
Một câu chuyện lo ngại thứ hai là sự phục hồi không đồng đều. Thực tế cho thấy rằng trong khi một số ngành nghề được hưởng lợi, có thể phần đông trong số còn lại chưa thấy sự tăng trưởng trở lại rõ nét, thậm chí còn suy giảm trong ngành của mình.
Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh quí 2 của EuroCham công bố mới đây, có hơn một nửa đánh giá điều kiện thị trường tích cực hơn, nhưng chỉ số niềm tin lại giảm nhẹ so với kỳ khảo sát trước.
“Sự phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Mức chi tiêu và hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tích cực nhưng diễn biến không đồng nhất ở các ngành. Thông tin mâu thuẫn và tình hình chưa ổn định khiến doanh nghiệp cẩn trọng trong hoạt động kinh doanh”, báo cáo của EuroCham đánh giá.
Cuối tháng 6 vừa qua, sau chuyến làm việc tại Việt Nam, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phát hành thông cáo ghi nhận những sự thay đổi tích cực của nền kinh tế, nhưng đánh giá “rủi ro suy giảm vẫn còn lớn”.
Các rủi ro được dẫn lại là xuất khẩu có thể suy yếu nếu tăng trưởng toàn cầu không giữ đà, căng thẳng địa chính trị toàn cầu kéo dài hoặc các tranh chấp thương mại leo thang.
Mặt khác, các vấn đề nội tại của thị trường vẫn còn. Theo đó lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng nhiều hơn dự kiến đến khả năng tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng ổn định tài chính. Áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài cũng có thể dẫn đến lạm phát trong nước tăng cao hơn.
“Xét đến sự phục hồi kinh tế không đồng đều, các chính sách vẫn sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ trong năm 2024, nhưng có thể cần phải điều chỉnh để ứng phó với các rủi ro đáng kể. Các chính sách cần tiếp tục tập trung vào việc cải thiện ổn định tài chính, đòi hỏi phải củng cố chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức, chất lượng thấp”, báo cáo của IMF đánh giá.
TBKTSG