Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao... là những động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế quý I đạt mức tăng trưởng tích cực.
Khu vực công nghiệp tăng trưởng tốt hơn so với kỳ vọng
Những khó khăn của kinh tế thế giới trong 3 tháng đầu năm tác động không nhỏ tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Thế nhưng, toàn bộ hệ thống chính trị đã nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn, tận dụng và tìm kiếm cơ hội để khôi phục và phát triển kinh tế. Nền kinh tế nước ta đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. GDP quý I-2024 của Việt Nam ước tăng 5,66%, mức cao nhất so với cùng kỳ 4 năm qua-là kết quả rất đáng khích lệ và là bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: VŨ DUNG |
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực. Kết quả tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn cũng khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả. “Theo kịch bản của Chính phủ đề ra từ đầu năm, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%)”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Trong bức tranh kinh tế quý I là hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư cũng là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Riêng trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD. Xuất khẩu khởi sắc tạo đà cho kinh tế phục hồi, phát triển vững chắc; đây cũng là chỉ số quan trọng phản ánh vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế. Điều này cũng phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc củng cố và thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Số liệu về đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, tính đến ngày 20-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ). Đây là minh chứng rõ nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp FDI vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tính chung quý I-2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi có dịch Covid-19.
Nỗ lực phấn đấu tăng trưởng kinh tế
Mặc dù kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng Tổng cục Thống kê cho biết, bên cạnh diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu thì những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo. Với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I năm nay, để tốc độ tăng GDP cả năm đạt 6% trở lên đòi hỏi tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại trong năm phải đạt trên 6,2%, đây là mức tăng không dễ đạt được, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ. Đối với động lực quan trọng của nền kinh tế là xuất khẩu hàng hóa, trao đổi với báo chí chiều 29-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, kết quả xuất khẩu khởi sắc trong quý I-2024 là do số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng. Những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Để giữ vững đà tăng trưởng, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện tại, nâng cấp các FTA để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng Việt Nam. Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Gợi ý các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương đề xuất Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Nguồn QĐND