Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện ở nước ta, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.
Trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới đang đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải nâng cấp chất lượng lao động trong nước để tiến kịp với xu thế chung của thế giới.
Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. Nếu không nhanh chóng khắc phục được yếu kém này, thì sẽ phải đối diện với những nguy cơ, những thách thức mới, sẽ kéo theo sự tụt hậu của đất nước.
Theo ông Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM, Việt Nam đang nỗ lực để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, để giải được bài toán này, nguồn nhân lực bắt buộc phải làm được những việc khó hơn, kiến tạo các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị cầu, xuất khẩu nhiều hơn.
“Cần phải thay đổi lại các chiến lược đào tạo, cũng như là dẫn dắt con người trong thực tiễn. Thay đổi các chương trình đào tạo từ cấp 1 đến lớp 12, sau đó đến trường nghề và đại học; năng lực cuối cùng con người là tạo sản phẩm cuối cùng, không phải là năng lực trung gian, thể hiện qua điểm, bằng cấp… Năng lực cuối cùng là bao nhiêu sản phẩm Made in Vietnam; Made by Việt Nam, thay thuế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu được và năng lực đó mới chứng minh được năng lực phải hướng đến” - ông Nguyễn Đăng Minh nói.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động thì việc xây dựng cơ chế, tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tập trung vào đánh giá, dự báo các ngành nghề mới trong tương lai. Một trong những giải pháp mấu chốt để nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh công tác dạy nghề là cần tăng cường hợp tác 3 bên giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Hiện nay các công nghệ liên tục thay đổi, có những ngành nghề phải cập nhật sau 3 tháng đến một năm, trong khi người lao động không thể quay về trường để học được. Vì vậy doanh nghiệp cũng phải tự tổ chức các hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức là rất cần thiết.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, đơn vị đào tạo nên tăng cường tỉ trọng thực hành, đào tạo kỹ năng để nâng cao khả năng linh hoạt xử lý công việc cho người lao động. Do đó trong quá trình học tập cần phải triển khai song song quá trình thực hành tại các doanh nghiệp.
“Ở góc độ là doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng đón các em trong suốt quá trình thực tập. Cùng với đó, chính các thầy cô- giảng viên cũng phải thường xuyên đi doanh nghiệp để cập nhật kiến thức sản xuất, môi trường sản xuất mới hiện đại. Các thầy cô khi mà có một hành trang ban đầu để dạy các em nếu thiếu cập nhật thì cũng không thể dạy các em bài bản được. Tất cả việc thực hành thực tế luôn luôn được lồng ghép trong suốt quá trình học tập của các em” - bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết.
Rõ ràng, việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Bộ đang xây dựng chiến lược “Phát triển giáo dục nghề nghiệp” theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông hiện đại gắn với nhu cầu thị trường lao động và việc làm bền vững. Cùng với đó sẽ phát triển nhiều hình thức và trình độ đào tạo, chú trọng đào tạo chất lượng cao, đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo trong doanh nghiệp./.
Nguyễn Hằng/VOV1