“Mọi người đều có thể ở bất kỳ nơi đâu tiếp cận được vào hệ thống thanh toán của Ngân hàng cho phép chúng ta tiếp cận đến nguồn vốn tiếp cận đến tài chính tiếp cận đến các phương tiện thanh toán cách dễ dàng hơn lĩnh vực chế tạo cũng thế hàm lượng đổi mới sáng tạo rất cao. Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi trên đường phố, công cụ thông minh hơn, tiết kiệm thời gian hơn về hiệu quả kinh tế có một sự khác biệt rất lớn” - Đây là quan sát của GS.TS. Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (tại Pháp) trong lần trở về Việt Nam.
Tài chính ngân hàng chỉ là một ví dụ cho thấy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực.
Xét trên bình diện chung, ông Bùi Quý Phong – Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược thương hiệu châu Á, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc Sale và marketing Việt Nam khẳng định: “Trong những khó khăn của bối cảnh kinh tế, với tư duy sáng tạo, khởi nghiệp tôi nhìn thấy những hướng tích cực: càng nhiều biến động, những người sáng tạo sẽ tìm thấy những cơ hội, tìm thấy thị trường mới để phát triển.
Nguồn lực của các doanh nghiệp thì đầu tiên là tiền-vốn; nhưng nguồn lực rất quan trọng trong doanh nghiệplà nguôn lực trí tuệ, là tư duy và tầm nhìn. Nếu có sự sáng tạo hay tầm nhìn đúng sẽ chớp được cơ hội. Nếu có định hướng, động cơ, kế hoạch, ý tưởng kinh doanh mạnh mẽ thì tiền sẽ đến vì các nhà đầu tư thực tế họ rất là muốn giải ngân nguồn tiền của mình cho các dự án khởi nghiệp nếu các dự án đó thực sự có tính đổi mới sáng tạo và có cơ hội phát triển”.
Thực tế 1 năm qua đã chứng minh, bên cạnh các yếu tố nền tảng như địa chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn lao động dồi dào, “tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng Việt” đã hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong nước lẫn dòng vốn FDI: Việt Nam tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 – tương đương xếp thứ 46 trong tổng số 132 quốc gia, vùng lãnh thổ; Hệ sinh thái khởi nghiệp tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 Top 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
Từ con số hơn 1,4 tỷ USD chảy vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021, dù kinh tế quốc tế biến động khó lường, phức tạp, tác động mạnh kinh tế trong nước, các quỹ đầu tư vẫn dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam những khoản đầu tư và cam kết đầu tư lớn với khoảng 2 tỷ USD giai đoạn 2022-2023. Đáng chú ý, nếu cả năm 2022 Việt Nam thu hút vốn đầu tư mạo hiểm đạt khoảng 634 triệu USD thì số liệu đến nửa đầu năm 2023 đã cho thấy vốn đầu tư mạo hiểm dốc vào Việt Nam đạt tới 413 triệu USD.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Golden Gate Ventures khẳng định: “Tốc độ phát triển đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất nhanh, đặc biệt là thị trường công nghệ của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng trong vòng 10 năm qua, thời gian tới Việt Nam có rất nhiều cơ hội từ những nền tảng hiện có như giáo dục, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng cho công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo. Một số công ty công nghệ lớn toàn cầu đã tới và thành lập cty tại Việt Nam: Goole, Intel, Amazone, Samsung... Điều này tạo nên cơ hội phát triển cho đất nước, cho doanh nghiệp, cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn tới đất nước con người Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam, nói cách khác, Việt Nam đang được xem như “đất lành” cho dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động này hiệu quả thực sự, Giám đốc tăng trưởng Công ty Aerable FRENZ - Doãn Kiều My cho biết, “còn những bất cập, tồn tại”.
“Khởi nghiệp, khó khăn nguồn vốn, năng lực của đội ngũ. Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ để có thể phát triển thị trường” - bà Doãn Kiều My nói.
Với mục tiêu đóng góp những mảng sáng vào bức tranh kinh tế toàn cầu và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, ở hầu hết các diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo suốt năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đều thông tin khẳng định, Việt Nam sẽ ngày càng ưu tiến thúc đẩy hoạt động này.
“Các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là đối tác quan trọng của Chính phủ, các bộ, ngành để cùng chia sẻ, hỗ trợ và đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian tới nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Không chỉ Bộ Kế hoạch và đầu tư với nỗ lực nghiên cứu – định hình Luật đầu tư mạo hiểm, một năm qua, nhiều bộ ngành chức năng liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông… đã phối hợp cùng nhau, đề xuất nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu biểu như: Chương trình hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo, phát triển nhân tài; xây dựng và phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam …
Đó là kết quả hết sức tích cực, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với những vấn đề, thách thức lớn của xã hội - yêu cầu phải thúc đẩy tư duy khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, để cùng tìm lời giải.
Chia sẻ với nỗ lực này, TS. Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture, Vingroup, top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới lĩnh vực khoa học, cũng là thành viên trẻ nhất (và là nữ duy nhất) của ủy ban khoa học kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 cho rằng cần tập trung những giải pháp cụ thể sau để khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ hơnnguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt.
“Tôi nghĩ quan trọng nhất là phần hỗ trợ tài chính. Sẽ cần phải cung cấp các nguồn tài chính dễ tiếp cận để mà những nhà khoa học trẻ có thể thực hiện nghiên cứu của họ - không phải lo lắng, lo nghĩ quá nhiều áp lực kinh tế. Những nguồn tài chính này có thể đến từ những quỹ học bổng tài trợ dự án hay là hỗ trợ khởi nghiệp và yếu tố quan trọng thứ hai thì những nhà nghiên cứu cần được trang bị cơ sở vật chất hiện đại để thực hiện nghiên cứu. Cũng cần hỗ trợ những nhà khoa học trẻ tham gia các sự kiện dự án nghiên cứu mang tính quốc tế để họ có thể mở rộng tầm nhìn và học hỏi những chuyên gia hàng đầu thế giới” - TS. Lê Thái Hà nói.
Nếu 2022, Việt Nam được đánh giá là “viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á trong hoạt động thu hút đầu tư – trở thành trụ cột thứ ba của hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực, sau Singapore và Indonesia”, thì 2023, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng quốc tế nhìn nhận “Việt Nam là tâm điểm tăng trưởng khu vực, nổi bật là hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Tín hiệu tích cực khẳng định sức hút này không chỉ là nguồn FDI dốc vào thị trường Việt Nam, dốc vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, không chỉ là gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới trên thương trường, đó còn là sự trở về của nhiều kiều bào trẻ sau một thời gian được đào tạo, hoạt động thực tế ở những đơn vị, doanh nghiệp, trường-Viện uy tín quốc tế...
Hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam rõ ràng không chỉ là đầu tư về vốn, về đường lối, chính sách, về khoa học công nghệ… đó còn là tư duy sáng tạo – định hướng, dẫn lối cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nước nhà. Đó là những điểm sáng trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – là nền tảng để hệ sinh thái này sẽ có nhiều bước phát triển hơn nữa, phát huy vai trò “là chìa khoá dẫn lối thành công cho mọi hoạt động kinh tế xã hội Việt Nam”, không chỉ trong năm mới 2024.
Thu Trang/VOV1