Cách đây 55 năm, Ngã ba Đồng Lộc được gọi là “Tọa độ lửa”. Tại nơi đây, 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi đang tránh bom trong hầm trú ẩn. Họ hy sinh khi đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Sự hy sinh đó đã góp phần dệt nên huyền thoại trên cung đường lửa, tại Ngã ba Đồng Lộc.
Ngày 24/7/1968, trong một trận không kích của đế quốc Mỹ, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, khiến cho 10 cô gái thanh niên xung phong đang trú ẩn trong hầm hy sinh.
Cùng nhìn lại sự kiện lịch sử này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS-TS Trần Viết Nghĩa, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PV: Thưa PGS-TS Trần Viết Nghĩa, ông có thể cho biết vì sao Ngã ba Đồng Lộc lại trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong thời điểm năm 1968?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Có thể nói rằng, từ năm 1965 cho đến năm 1968, chiến tranh Việt Nam phát triển đến mức độ cao nhất. Mỹ quyết tâm sử dụng những lực lượng hùng hậu nhất, tối đa nhất cho chiến trường để giành thắng lợi. Ngã ba Đồng Lộc là một vị trí cực kỳ quan trọng về mặt địa chiến lược. Bởi vì, đây là con đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, nằm trên địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hầu như việc chi viện sức người, sức của của chúng ta đều phải đi qua nút điểm giao thông có ý nghĩa chiến lược này. Mạch máu giao thông này phải được giữ vững. Và ở đây được gọi là túi bom.
Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, nơi đây, đế quốc Mỹ đã thả gần 50 nghìn quả bom xuống Đồng Lộc. Mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc ước tính phải chịu 3 quả bom. Bây giờ nếu như nhìn lại ảnh chụp lúc bấy giờ, Ngã ba Đồng Lộc chi chít vết bom cày xới. Cây cối còn không mọc lên được. Cho nên, ở đây người ta gọi là tọa độ lửa, là trọng điểm mà đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt. Nhưng cũng là nơi mà hai bên đều duy trì ý chí. Một bên quyết phá, một bên quyết giữ. Và thắng lợi sẽ thuộc về bên nào có ý chí kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn.
PV: Để đối phó với sự đánh phá điên cuồng, ác liệt của đế quốc Mỹ, quyết tâm thông đường cho xe ra tiền tuyến, lực lượng thanh niên xung phong được xác định là lực lượng chủ công tại Ngã ba Đồng Lộc, thưa ông?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Là một trong những lực lượng chủ công. Ngã ba Đồng Lộc không chỉ có lực lượng thanh niên xung phong, mà ở đây còn có các lực lượng khác. Và có những thời điểm ở đây lên tới 16.000 người tham gia trên tuyến đường này. Lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom mìn, giữ vững tuyến đường vận tải chiến lược. Cho nên, đây là một trong những lực lượng chiến lược tham gia bảo vệ tuyến đường huyết mạch này.
PV: Trong gian khó, ác liệt của chiến tranh, đã có hàng nghìn thanh niên xung phong có mặt nơi tuyến lửa, họ đã dũng cảm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Không những thế, những người dân, những gia đình ở khu vực tọa độ lửa, đã nhường nhà, nhường đất để mở đường tránh cho xe đi. Theo ông, điều gì đã làm nên tinh thần đoàn kết, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của dân tộc ta trong những năm tháng ác liệt đó?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Chính là xuất phát từ truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Nó được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên chúng ta. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Đấy chính là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là một trong những thành tố của văn hóa Việt Nam chúng ta.
PV: Ông có cho rằng, sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong đã làm nên biểu tượng của Ngã ba Đồng Lộc, hào hùng, bi tráng nhưng quật khởi giữa mưa bom bão đạn?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Đúng như vậy! Đây là một khúc tráng ca của lịch sử. Trong chiến tranh thì có hy sinh, có mất mát, có những thương đau. Tôi vẫn nói, bảo vệ nền độc lập, không thể tính bằng những thiệt hại về giá trị vật chất được. Vì vậy, 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là một sự hy sinh anh dũng. Cả ngày hôm đó, không quân Mỹ ném tới 15 lượt bom xuống. Và 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh vào đợt ném bom thứ 15. Cả một ngày mà bom rơi, đạn nổ ác liệt như vậy, họ không quản ngại hy sinh, vẫn sẵn sàng lao ra đường, với một tinh thần “sống thì bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, chấp nhận hy sinh, để giữ vững mạch máu giao thông. Qua đó, chúng ta thấy được rằng, khi đã ra mặt trận, người ta chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ. Điều gì dẫn đến sự chấp nhận đó? Chỉ có thể là tinh thần yêu nước.
PV: Những thanh niên xung phong vào chiến trường ở tuổi 18, 20, có những cô, những chị mới học xong lớp 7. Vào chiến trường, họ cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất cho Tổ quốc. Ông suy nghĩ gì về những hy sinh mất mát mà cả dân tộc ta đã phải trả cho cuộc chiến tranh này?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Trước hết, tôi lấy ví dụ từ sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Trong 10 cô gái đó, thì người trẻ nhất là tuổi 17. Và người lớn tuổi nhất là ở độ tuổi 24. Đó là cái lứa tuổi, có thể nói là trẻ trung nhất, đẹp đẽ nhất, yêu đời nhất, khát khao, khát vọng nhất. Thế nhưng tại sao người ta lại chấp nhận ra chiến trường, người ta đi phục vụ bộ đội, trực tiếp cầm súng đánh giặc. Một lần nữa tôi cho rằng, đấy chính là chủ nghĩa yêu nước. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân, tuổi đẹp đẽ nhất cho dân tộc của mình. Đấy là lý tưởng sống của một thế hệ lúc bấy giờ. Và chúng ta thế hệ đi sau, phải biết ơn những đóng góp của những người đã sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng cao đẹp nhất của dân tộc, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cống hiến. Thì đấy là lý tưởng của một thế hệ thanh xuân của con người Việt Nam. Và chúng ta rất tự hào về một thế hệ đã góp phần làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.
PV: Đó là cái giá không thể định lượng, đong đếm được mà dân tộc chúng ta đã phải trả cho hòa bình, độc lập, tự do, thưa ông?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Nhiều lần tôi đã nói rồi. Độc lập dân tộc thì không thể tính được bằng cân, bằng tạ, bằng lạng, bằng tiền được. Mà chúng ta phải coi bảo vệ nền độc lập, đó là một cái vô giá, có giá trị trường tồn. Chúng ta đã từng bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, với tinh thần là hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Giành được độc lập dân tộc rồi thì phải bảo vệ nền độc lập dân tộc đấy, đánh bại bất cứ kẻ thù nào xâm lược, dù chúng có hùng mạnh đến đâu. Cho nên nói đến bảo vệ độc lập dân tộc, chúng ta không thể tính bằng những giá trị cụ thể.
PV: Với sự hy sinh của hàng nghìn, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, chiến sĩ, đồng bào, chúng ta đã giữ vững được huyết mạch giao thông qua Ngã ba Đồng Lộc. Những hyi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc có ý nghĩa như thế nào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta?
PGS-TS Trần Viết Nghĩa: Sự hy sinh của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, nằm trong sự hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Sự hy sinh đó đã góp phần xây dựng nên một biểu tượng của con người Việt Nam. Đó là một biểu tượng anh hùng. Anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động. Sự hy sinh của các nữ thanh niên xung phong, cũng như là sự hy sinh của những người dân, người lính trên chiến trường, đã góp phần làm nên Chiến thắng của ngày 30/4/1975, thu non sông về một mối, đất nước được độc lập, được hòa bình, thống nhất. Sự hy sinh đó có giá trị trường tồn, có giá trị vĩnh cửu. 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ sống mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, sẽ sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
PV: Xin cảm ơn ông.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội