Đây cũng là một trong những vấn đề được nhấn mạnh trong phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 7/9
Lập lờ thời hạn công khai kết luận thanh tra
Nhấn mạnh quy định về công khai kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra. Đây cũng là yêu cầu của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi phải công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức để phòng ngừa tham nhũng.
Tuy vậy, dự thảo luật tại đã bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan như là trước khi công khai kết luận thì có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra. Rồi nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai, trong khi đó luật hiện hành quy định là khi chưa có kết luận chính thức.
“Việc sửa đổi như trên có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan tiến hành thanh tra nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra. Quy định trên ngược với quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn cho các đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra” – ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
Phân tích làm rõ thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dẫn chứng không quy định công khai nên sẽ không rõ lúc nào kết luận sẽ được công khai, các cơ quan nhà nước có thể trì hoãn việc công khai, khó xác định được giá trị pháp lý của kết luận thanh tra vì kết luận này có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai.
“Về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành, tuy nhiên nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành được mà lại không vi phạm điều cấm là tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai?” – đại biểu đặt vấn đề và đề nghị nêu rõ sau khi ký kết luận thì trong thời hạn nhất định phải công khai để tránh được sự can thiệp, tác động làm thay đổi kết luận thanh tra sau khi đã được ký.
Ngăn chặn sự can thiệp “lệch lạc”
Đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa cho rằng luật cần thiết chế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự thảo luật có quy định vị trí, vai trò của người đứng đầu các cơ quan thanh tra trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc phê duyệt, ban hành kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra.
Tuy nhiên, theo đại biểu, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra trong kết luận và kiến nghị xử lý.
“Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo, xin ý kiến thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi người đứng đầu cơ quan thanh tra ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự “lệch lạc” – đại biểu phân tích.
Vì vậy, ông Lê Hữu Trí nêu quan điểm, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả thì luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của đoàn thanh tra.
Cụ thể, ông đề nghị bổ sung về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra, nếu trong trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ, bổ sung chế định trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm hoặc xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm theo kết luận thanh tra thì ai có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban tỉnh và ai có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại kết quả xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Vấn đề này chưa được thiết kế trong luật.
Cũng theo ông Trí, cần bổ sung chế định người ra quyết định thanh tra căn cứ vào tính chất, mức độ sai phạm của đối tượng bị thanh tra phải có kiến nghị cụ thể hình thức xử lý kỷ luật hành chính. Việc này lâu nay chỉ kiến nghị xử lý chung chung.
Bên cạnh đó, luật cần thiết chế các quy định bảo đảm kiểm soát hoạt động thanh tra có hiệu quả cả về phía thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và cả về phía cơ quan thanh tra. Thanh tra là hoạt động có vai trò phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì vậy cần thiết phải có các thiết chế quy định giám sát hoạt động thanh tra nhằm ngăn chặn các sai phạm xảy ra trong hoạt động thanh tra.
“Thực tế những nội dung giám sát được quy định tại Thông tư số 05/2015 của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên những hoạt động này trên thực tế mang tính chất hình thức. Do vậy, cần phải luật hóa những quy định về giám sát hoạt động thanh tra sao cho hoạt động thanh tra được bảo đảm tính khách quan, hiệu quả, ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thanh tra” – ông Lê Hữu Trí nhấn mạnh./.
Ngọc Thành/VOV.VN