Cái gốc của suy thoái
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”. Tổng Bí thư nhận định: “Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”.
Có thể thấy rõ, chủ nghĩa cá nhân chính là cái gốc của sự suy thoái. Bắt nguồn từ việc chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân mà nhiều cán bộ, Đảng viên, những người có chức có quyền đã quên đi lợi ích chung của tập thể, của nhân dân, của đất nước. Đáng nói là, hiện nay, nhiều cán bộ, Đảng viên khi có được “quyền cao, chức trọng” lại dễ dàng sa vào chủ nghĩa cá nhân, nghiễm nhiên cho rằng bản thân mình đang ở vị trí xứng đáng được hưởng những lợi ích riêng đó, mà quên đi, hoặc cố tình quên đi rằng “quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn”.
Nhìn lại hàng loạt vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã được phát hiện, hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự - với những bản án nghiêm khắc, xét cho cùng, đây đều là những “nạn nhân của chủ nghĩa cá nhân”. Không quá khi nói rằng chủ nghĩa cá nhân nhấn chìm người tài trong vòng xoáy danh lợi. Rõ ràng, đã có được quyền cao, chức trọng thì đều là những người tài giỏi. Nhưng khi người tài bị sa vào hố sâu của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì thực sự nguy hiểm. Trong đó, cán bộ giữ chức vụ càng cao bị suy thoái thì hậu quả, nguy cơ đối với Đảng, với chế độ càng lớn. Đáng lo ngại là chủ nghĩa cá nhân không dừng lại ở việc một hay một vài cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, mà còn có xu hướng kéo theo nhóm lợi ích, khiến mức độ và hậu quả vi phạm càng nghiêm trọng.
Sa vào chủ nghĩa cá nhân, từ người có chức, có quyền đến cả những cán bộ, đảng viên hay quần chúng đều có thể trở thành mối nguy hại, dẫn đến những sai phạm, khuyết điểm khó lường. Không nói đâu xa, ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, những thói hư, tật xấu, như: suy bì, kiêu căng, hẹp hòi, kèn cựa, kéo bè, kéo cánh… vẫn đang từng ngày, từng giờ âm ỉ ngự trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, “bị chủ nghĩa cá nhân che mắt”. Một số người vì đố kỵ, suy bì, với tâm lý “sợ người khác hơn mình”, khi thấy đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí cấp dưới, cán bộ trẻ có năng lực được khen thưởng hay đạt được kết quả cao hơn trong công tác, thì tỏ ra khó chịu, không công nhận, “không cam tâm” với những thành tích người khác đạt được.
Tự ca ngợi mình, tự cho mình là đúng, là nhất, nên những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân luôn coi người giỏi hơn mình như “cái gai trong mắt”. Không chỉ không công tâm, khách quan nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng nghiệp, những người này còn tìm mọi cách để cản trở người khác phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên. Thậm chí, họ chỉ trực chờ, mong muốn người khác sai phạm và hả hê, thỏa mãn trước thất bại của người khác. Ở nơi tồn tại chủ nghĩa cá nhân, người tốt, người tài, người trẻ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ dễ bị soi xét, nghi ngờ, thậm chí bị vùi dập, dẫn đến mất niềm tin vào nhau, vào tổ chức, để rồi không dám nói, thật sống thật với nhau và luôn đề phòng nhau.
Vì những lẽ đó, chủ nghĩa cá nhân cũng chính là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ. Trong khi “đoàn kết cần phải được giữ gìn như giữ gìn con ngươi trong mắt mình” – như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Chủ nghĩa cá nhân được ví như ung nhọt, hay như một loại virut nguy hiểm. Nó âm thầm tấn công, làm biến dạng, biến chất ngay cả những người học sâu hiểu rộng; ngay cả những cán bộ giữ cương vị chủ chốt, trọng trách trong Đảng. Sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Nhận diện để quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Ở đâu có chủ nghĩa cá nhân thì ở đó có khuyết điểm, sai phạm. Do vậy quét sạch chủ nghĩa cá nhân chính là góp phần giữ gìn Đảng trong sạch. Và muốn quét sạch, trước hết phải nhận diện được những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra “những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân” và nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ” và “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Chủ nghĩa cá nhân làm nảy sinh nhiều "loại bệnh", đó là bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị - loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng; bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh….
Đáng nói là, cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những căn bệnh nêu trên cho đến ngày nay dường như không vơi bớt đi, mà vẫn luôn tồn tại trong nhận thức và hành động của không ít người; trong đó, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Không chỉ vậy, chủ nghĩa cá nhân còn biểu hiện ở việc tỏ ra thờ ơ, bàn quan với mọi sự việc, coi việc của tập thể không phải là việc của mình, dẫn đến tình trạng “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. Trong khi đó, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân cũng có nghĩa là triệt tiêu được các chuỗi sai phạm có thể xảy ra.
Chủ nghĩa cá nhân không ở đâu xa lạ mà nó vốn có trong mỗi con người. Vì thế chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go. Bởi trong trăm ngàn gian khó, vượt qua chính mình là khó khăn nhất. Những biểu hiện, những căn bệnh sản sinh từ chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra như một tấm gương để mỗi người trong chúng ta “tự soi, tự gột, tự sửa”. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, trước hết Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bác cũng từng nói “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự mình chống chủ nghĩa cá nhân, tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống. Đồng thời, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp mình nhận ra khuyết điểm ngay từ khi xuất hiện những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Từ đó, ngăn chặn từ sớm, từ xa, tránh để những khuyết điểm nhỏ trở thành những sai phạm lớn./.
Q.M