Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh cụ thể mà Nhà nước đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện tự do ngôn luận của công dân. Bên cạnh việc đề cao tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung, các quốc gia đều không cho phép lợi dụng tự do ngôn luận để viết, nói xuyên tạc với ý đồ xấu, bất chấp luật pháp, đồng thời xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận gây tổn hại cho Nhà nước, cộng đồng. Ở nước ta, Hiến pháp năm 2013 khẳng định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã cảnh báo hiện tượng: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Thực tế thời gian qua cho thấy, không chỉ các thế lực phản động, thù địch mà một số cán bộ, đảng viên, nhà báo, người sử dụng mạng xã hội đã và đang lợi dụng, cố tình hiểu sai quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc tình hình đất nước.
Rõ nhất là nhóm “Báo sạch” do Trương Châu Hữu Danh và một số đối tượng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã bị bắt và khởi tố mới đây. Hay như, trong khi cả nước ta nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19, lại có những người lợi dụng tình hình để tuyên truyền sai trái, lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Các đối tượng này ngụy tạo bức tranh sai lệch về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, phát tán tin giả, tin không chính xác nhằm gây tâm lý sợ hãi cho cộng đồng, gây nghi ngờ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Không những vậy, nhiều đối tượng còn cố tình thông tin tiêu cực khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng “găm” hàng, “thổi” giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch…
Gần đây nhất, khi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người ra đường phải có giấy đi đường và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm các yêu cầu và quy định về phòng, chống dịch gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận thì nhiều người vốn được xem là “người của công chúng” đã đăng tải hình ảnh, bài viết mang tính châm chọc, trong khi chính họ thừa nhận rằng nếu không làm tốt giãn cách xã hội thì việc phòng, chống dịch khó đạt hiệu quả mong muốn. Điều càng đáng buồn hơn là thông tin này vẫn được không ít cán bộ, đảng viên chia sẻ trên mạng xã hội.
2. Một trong những vấn đề được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện trong thời gian tới là “Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 khẳng định yêu cầu giữ vững an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương... Muốn làm tốt vấn đề này thì một trong những trọng tâm thực hiện là cần chủ động phòng ngừa, đấu tranh mạnh mẽ với việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về các cơ quan chức năng có liên quan mà là nhiệm vụ chung của các cấp ủy Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Trước hết, cấp ủy Đảng các cấp phải quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-1-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, thực hiện tốt Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng...
Đồng thời, cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội; chủ động nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên để phản bác luận điệu sai trái, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, internet; đề cao tinh thần cảnh giác trước thông tin không chính thống, thông tin nhạy cảm; không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao năng lực tự phân tích, sàng lọc thông tin, tích cực tham gia phản bác những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng. Cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên cũng cần đưa vấn đề về kỷ luật phát ngôn, việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào sinh hoạt chi bộ định kỳ...
Việc ngăn ngừa tình trạng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để viết, nói xuyên tạc với ý đồ xấu trên internet, mạng xã hội là rất cần thiết. Cán bộ, đảng viên nhận thức rõ và hành động đúng sẽ góp phần hiệu quả vào công tác ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ sự thống nhất, đồng thuận chung trong dư luận xã hội.
Theo Hanoimoi.com.vn