Hôm nay 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Bên hành lang Quốc hội, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh ở nhiều địa phương trở nên cấp bách, lợi dụng tình hình như vậy, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Nam Định cho rằng: "Từ vấn đề kinh tế, đất đai, thầu, khoán bây giờ lây sang lĩnh vực mà tôi nghĩ không nên có trong xã hội như ngành y tế, lợi dụng dịch bệnh để mua bán vật tư thiết bị y tế, những chỗ mà tôi thấy xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhìn vào đó chúng ta thấy đau lòng".
Nhìn nhận các vụ tham nhũng liên quan lĩnh vực y tế vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn nhận định: vấn đề quan trọng nhất là công khai, minh bạch. Các luật phục vụ cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là biện pháp công khai, minh bạch vẫn là khâu yếu.
"Một trong những biện pháp có hiệu lực cao là công khai, minh bạch. Nếu thực hiện tốt các quy định hiện hành về công khai, minh bạch thì đó cũng là giải pháp phòng ngừa lớn, tạo sự kiểm soát rất rộng. Qua các vụ việc phát hiện vừa rồi cho thấy, biện pháp công khai minh bạch trong luật phòng chống tham nhũng chưa được các cơ quan thực hiện tốt. Công khai nhưng chưa minh bạch, công khai nhưng chưa đầy đủ, ở đây liên quan đến việc kiểm soát trong nội bộ và kiểm soát ngoài hệ thống đối với việc công khai, minh bạch"- đại biểu Nguyễn Thị Thủy băn khoăn.
Đồng tình với quan điểm cần làm tốt hơn khâu tổ chức thực hiện quy định của pháp luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Khánh Hòa nhấn mạnh: các vụ án tham nhũng, tiêu cực phần lớn vẫn do phát hiện của nhân dân và các cơ quan truyền thông, phát hiện nội bộ thường chậm vì có các quan hệ giằng co nhau, phát hiện khó nên xử lý khó. Từ các vụ án tham nhũng thời gian qua và trong lĩnh vực y tế mới đây phản ánh thực trạng tha hóa, thiếu liêm chính của một bộ phận cán bộ, công chức. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, giải pháp ưu tiên hàng đầu là công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
"Một trong những vấn đề quan trọng là xây dựng phẩm chất chính trị đạo đức. Tôi thích câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng : danh dự của con người là thiêng liêng nhất. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải đặt lên hàng đầu sau đó mới đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý. Tất cả phải làm đồng bộ nhưng khâu đột phá của đảng thì công tác chính trị phải đặt lên hàng đầu, có như thế mới đánh vào tâm lý, danh dự, trách nhiệm của những người cán bộ, đảng viên"- đại biểu đoàn Khánh Hòa nêu quan điểm.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 cho biết, năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 2 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ. 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý điều tra hơn 580 vụ án, hơn 1.260 bị can phạm tội về tham nhũng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó có công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức để PCTN vẫn còn hạn chế; ở một số bộ, ngành, địa phương, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định gây hoài nghi trong dư luận. /.
Trung Hiếu-Vân Hồng/VOV1