Doanh thu giảm sâu
Theo ước tính của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tổng doanh thu từ du lịch năm nay ước chỉ đạt 408 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước (thu bằng ngoại tệ giảm 90%). Tổng khách ước đạt 384 nghìn lượt người, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước (khách quốc tế giảm 92% ). Công suất buồng ở các cơ sở lưu trú từ 1 - 4 sao chỉ đạt khoảng 15%, một số cơ sở lưu trú khác công suất buồng chỉ đạt khoảng 10%. Đến nay đã có 5/22 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thông báo dừng hoạt động.
Từ ngày 5.9, Quảng Ngãi cho phép mở cửa đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, thời điểm mở cửa đón khách không rơi vào mùa du lịch cao điểm, nên lượng du khách đến Lý Sơn chưa tăng. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho hay: “Thời gian gần đây, mỗi ngày địa phương đón khoảng 10 lượt khách du lịch. Để thu hút du khách, ngoài tăng cường phòng, chống dịch, huyện còn đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ”.
Ông Tạ Ngọc Anh - Quản lý Khu du lịch sinh thái Bãi Dừa (Tư Nghĩa) cho biết: Thời gian qua, đơn vị phải chi nhiều khoản chi phí để bảo đảm hoạt động, như duy trì trả lương cho hàng chục nhân viên, bảo hiểm xã hội, điện nước... Cùng với đó, DN cũng chịu thiệt hại nặng do khách hủy đặt phòng. “Sau khi tái hoạt động trở lại, chúng tôi củng cố nhân sự, triển khai các gói khuyến mãi như giảm 55% giá phòng nghỉ và 50% chi phí dịch vụ để thu hút khách”, ông Anh chia sẻ.
Đảo Bé (Lý Sơn) là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Trong khi đó, Công ty CP ĐaiViettour cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho du khách. Hầu hết các tour thị trường nội địa trong tháng 9 này như Lý Sơn, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Măng Đen (Kon Tum) hay Bình Định... đều giảm 20 - 25%. “Công ty tập trung xây dựng sản phẩm theo phân khúc thị trường thời gian ngắn, không tổ chức tour dài ngày như trước đây. Chúng tôi cũng tổ chức khảo sát lại thị trường, tăng cường truyền thông để giới thiệu các gói sản phẩm để thu hút khách”, Giám đốc Công ty CP ĐaiViettour Phan Long nói.
Còn đối với Công ty Du lịch Thiên Phong, do ảnh hưởng hai đợt dịch, để giảm khó khăn về tài chính, doanh nghiệp cũng phải cắt giảm 3 nhân sự. Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Phong Lê Hồng Phong chia sẻ: “Trong giai đoạn này, công ty hoạt động cầm chừng. Các tuyến du lịch trong tỉnh cũng chưa thu hút nhiều khách, nên chúng tôi tăng cường quảng bá các điểm đến cho mọi người”.
Xây dựng kịch bản phục hồi
Để phục hồi ngành du lịch thời điểm cuối năm và cho giai đoạn đến, Quảng Ngãi sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính như: Tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường; xúc tiến quảng bá du lịch; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và 2030; triển khai thêm các sản phẩm du lịch bên cạnh những sản phẩm đặc thù biển đảo như du lịch sinh thái miền núi, du lịch trải nghiệm cộng đồng; củng cố và tiếp tục phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Theo đó, Quảng Ngãi tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa với sự tham gia của các địa phương, các doanh nghiệp vận chuyển và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thông qua việc miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ như hàng không, lưu trú, phí tham quan... Trong đó, tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch.
Du khách tham quan Khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành). Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Ngoài xây dựng điểm đến an toàn, ngành du lịch sẽ tái khởi động các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Kon Tum, Bình Định và Nghệ An như đã ký kết vào tháng 7.2020. Cùng với đó là tiếp tục tổ chức các chuyến Famtrip, Presstrip quốc tế quy mô lớn để quảng bá, giới thiệu điểm đến để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông với thông điệp “Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn, thân thiện”; đồng thời xây dựng sản phẩm “Hành trình khám phá di sản văn hóa, địa chất biển đảo” đến các thị trường truyền thống; triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa và quốc tế...
Ngoài ra, ngành VH-TT&DL cũng tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho nhân viên các doanh nghiệp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch Quảng Ngãi.
“Đối với kế hoạch phát triển dài hạn, chúng tôi tiếp tục đa dạng sản phẩm du lịch, ưu tiên các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch, nhằm tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh điểm đến. Ngành tham gia tổ chức chương trình xúc tiến du lịch nội địa tại các thị trường trọng điểm và thị trường Hàn Quốc. Sở còn tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Quảng Ngãi dành cho đối tượng là khách du lịch qua mạng Internet. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt là các dự án, sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nhằm thu hút du khách...”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết.
Du lịch “miệt vườn” hút khách
Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới sau khi tái khởi động hoạt động trở lại. Những tour du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả tại huyện Nghĩa Hành thời gian gần đây đã thu hút nhiều du khách. Với diện tích trồng cây ăn quả hơn 300ha, huyện Nghĩa Hành có tiềm năng về phát triển du lịch miệt vườn.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn trái cây ở huyện Nghĩa Hành. Ảnh: internet
Anh Nguyễn Diên Thọ, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) là một trong những chủ vườn cây ăn quả được nhiều du khách đến tham quan thời gian gần đây. Đưa mắt về phía vườn cây trĩu quả, anh Thọ phấn khởi: “Từ đầu tháng 9 đến nay, vườn cây ăn quả gồm sầu riêng, mít tố nam, bưởi da xanh của gia đình tôi đón khoảng hơn 10 đoàn khách. Khách đến vui chơi không phải trả phí, được thưởng thức một số loại trái cây và tự tay lựa chọn trái cây sạch để mua về cho gia đình”.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, để ứng phó với khó khăn, ngành đã tổ chức khảo sát thực tế, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về các giải pháp cho giai đoạn phục hồi, kích cầu du lịch, như chuẩn bị điều kiện về sản phẩm, nhân lực, quảng bá, khuyến mãi... nhằm thu hút du khách trong thời gian còn lại của năm 2020 và cho những năm tiếp theo./.
Theo Báo Quảng Ngãi