Cô không kìm được nước mắt vì thương trẻ, xót xa công sức nhiều năm chạy đôn chạy đáo, vận dụng mối quan hệ “xin” cho các em từ chiếc ghế, cái bàn, tủ đựng giày dép, mũ nón,…để có không gian tươm tất cho nhiệm vụ dạy và học.
Cô là một người làm nghề đầy trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục tính cách tốt đẹp ấy lại rơi vào mớ rắc rối - sự thiếu thốn khiến cô bất quá phải cáng đáng công việc ngoài chuyên môn - mà lẽ ra đó là nhiệm vụ của ngân sách, trách nhiệm ở những người “cây cao bóng cả”.
Tựu trường - sự kiện đã văng vẳng nhiều hôm nay trên báo đài, là ngày hội, nô nức háo hức. Nhưng, chẳng mấy ai quan tâm đến góc khuất chất chứa rất nhiều nỗi niềm từ quý vị phụ huynh học sinh.
Cách đây vài hôm, tôi vô tình tiếp nhận một thông tin không mấy vui vẻ, tại ngôi trường nọ cứ đầu năm lại thu đủ thứ tiền, mua tivi, lát sân trường, sơn sửa,… từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, tất cả thông qua hội phụ huynh.
Một vị phụ huynh tâm sự, biết là bất cập, nhưng con người ta đóng được chả nhẽ để con mình như trở thành “cá biệt”. Đấy, cái lý của cha mẹ thương con vô bờ bến, và đó cũng là nỗi oan của một tổ chức được lập ra bị lèo lái hoạt động lệch tôn chỉ mục đích. Có khi nào ai đó đặt câu hỏi: Quý vị phụ huynh nghĩ gì? Thật sự vui vẻ với khoản tiền bỏ ra hay hậm hực trong lòng?
Đừng để giáo dục trở thành gánh nặng!
Xã hội hóa giáo dục nên hiểu như thế nào? Bắt đầu từ cơ chế ở thượng tầng kiến trúc, mở cửa “trải thảm” đón doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cho giáo dục, đem lại cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, hiện đại; áp dụng chương trình tân tiến, cung cách quản trị khoa học.
Giáo dục xã hội hóa đưa nhà trường gần hơn với nhu cầu cuộc sống, có cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả dịch vụ; đối với giáo dục bậc cao, xã hội hóa giúp nhà trường gần hơn với thị trường lao động, chủ động đào thải những ngành nghề lỗi lời, tự khắc sinh ra tri thức mới do yêu cầu thị trường.
Xã hội hóa không phải là tác đông đến tâm lý phụ huynh, vô hình ép buộc họ đóng góp mà trong lòng bứt rứt không thể nói ra vì tế nhị. Đó là lạm thu, cả quyền, trái với tôn chỉ mục đích cao đẹp của sự nghiệp trồng người.
Tựu trường, bên cạnh niềm vui khi được trông thấy tương lai của gia đình bắt đầu những bước đi tập tễnh qua cổng trường, thỏ thẹt bi bô với bảng đen, phấn trắng. Và chuỗi ngày dài sau đó đó là vô vàn nỗi lo kinh tế.
Dĩ nhiên, không phải ngôi trường nào cũng chỉ nói đến tiền và tiền mỗi đầu năm học, nhưng tình trạng “thu đủ thứ” như căn bệnh mãn tính không cách nào chữa trị, mặc dù nhiều địa phương có văn bản chỉ đạo cụ thể: Không được thu ngoài danh mục quy định.
Thiên tai rồi đến dịch bệnh, giá cả leo thang, tốt biết mấy nếu bớt đi những khoản thu ngoài danh mục, để phụ huynh bớt lo toan chạy vạy, để mỗi ngày đến trường đón trẻ thực sự là một ngày nhen nhóm niềm hy vọng lớn lên. Mong lắm thay!