Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020 đã có sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ với các địa phương trong vùng, trong đó nhiều chỉ tiêu đều đạt và vượt. Điều này khẳng định Nghị quyết của Đảng là đúng đắn, thực sự đi vào cuộc sống với sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy và chính quyền các địa phương trong vùng.
"Thay đổi nhiều, đường, điện ổn định, đường vào thôn vào xã đều được bê tông hóa rất thuận tiện. Bưởi thu hoạch năm nay tính bán 10.000/quả. Những năm không dịch bệnh và rớt giá thì việc thu nhập từ trồng bưởi vài trăm triệu là không khó".
Đó là ý kiến của ông Trịnh Đức Thiện, người dân ở xóm 3, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình khi gia đình được cấp ủy chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn tư liệu sản xuất trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết xuống cơ sở.
Ông Thiện cho biết thêm, với 60 gốc bưởi đỏ và hơn chục gốc bưởi giống Canh Diễn, mỗi năm gia đình ông thu nhập không dưới 300 triệu đồng. Kết quả này là nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng cam sang trồng bưởi, qua đó cải thiện cuộc sống của gia đình và tạo công ăn việc làm cho bà con sống trên địa bàn.
Theo ông Quách Văn Hạt, Chủ tịch UBND xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế ở địa phương đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, trồng rừng. Qua đó đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
"Qua quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 37 của Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình hành động của tỉnh và huyện, niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định. Phát huy những thành quả đã đạt được, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng của từng thôn xóm, hỗ trợ người dân trồng bưởi đỏ, keo lấy gỗ lớn, nuôi ong để nâng cao thu nhập cho người dân" - ông Quách Văn Hạt cho biết thêm.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đã mang lại những thành quả tích cực góp phần thay đổi diện mạo của Hòa Bình trong những năm qua. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương theo chuẩn cũ giảm xuống còn 6,28%, dẫn đầu về tỷ lệ xóa đói giảm nghèo của vùng Tây Bắc. Về nông thôn mới đứng thứ 3 trong vùng với 50,3% xã đạt và 3/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; chính trị được giữ vững; an ninh được đảm bảo, người dân thụ hưởng được thành quả phát triển kinh tế xã hội.
Theo ông Đinh Anh Tuấn, Bí thư huyện ủy Tân Lạc, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn của Đảng về những vấn đề quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã chủ động đề xuất quy hoạch, đề xuất nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% các xã, thị trấn có đường bê tông áp phan và bê tông xi măng đến trung tâm của các xã và nhiều xóm trên địa bàn huyện. Huyện cũng đã thực hiện tốt các chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn như: Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân trực tiếp đóng góp cát, sỏi, đóng góp ngày công để đầu tư các tuyến đường xung quanh các xóm, khu dân cư của huyện.
Mong muốn việc triển khai Nghị quyết 11 tiếp nối Nghị quyết 37 tạo động lực mới cho vùng Tây Bắc nói chung và Hòa Bình nói riêng, ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng, vùng Tây Bắc là vùng an toàn khu, nơi cung cấp sinh thủy, sinh quyển và an ninh năng lượng cho cả nước, tuy nhiên khoảng cách phát triển của vùng so với cả nước ngày càng chênh lệch.
Để rút ngắn khoảng cách này, triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND sẽ nhanh chóng phổ biến quán triệt sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và ban hành các văn bản để thể chế hóa Nghị quyết bằng các Chương trình hành động kế hoạch cụ thể, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
"Mong rằng việc triển khai Nghị quyết 11 tiếp nối 37 sẽ đem lại cho vùng trung du phía Bắc nói chung và Hòa Bình nói riêng một sức bật mới theo kịp được của cả nước. Mong Trung ương có sự quan tâm về cơ chế, về vốn cho vùng Tây Bắc từng bước theo kịp tốc độ phát triển của cả nước, để người dân vùng trung du phía Bắc an tâm và thực hiện chức năng của vùng là phên dậu quốc gia" - ông Ngô Văn Tuấn cho biết.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11 thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng với mục tiêu, định hướng rõ ràng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Điều cần làm ngay từ bây giờ, cần phải nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống bởi bối cảnh thế giới và tình hình đất nước cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các địa phương trong vùng phải tập trung giải quyết. Khoảng cách từ quyết tâm chính trị đến kết quả hiện thực đang đòi hỏi hành động thiết thực, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống bằng sự chỉ đạo thông suốt, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả./.
Văn Hiếu-Minh Long/VOV1