Toàn cảnh Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh tư liệu: Văn Điệp/TTXVN
Nghị quyết nêu rõ: Sau 19 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện ảnh, Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Cảnh sát cơ động; thông qua 17 nghị quyết.
Quốc hội cũng cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi).
Sau khi xem xét các báo cáo, tờ trình về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước và một số báo cáo khác, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, linh hoạt, kịp thời triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; trong đó bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn đến nước ta, liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ tập trung hoàn thiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh tiến độ, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kiềm chế áp lực tăng lạm phát, kiểm soát nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng, dầu.
Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên về biển; ưu tiên đầu tư công tác điều tra cơ bản, tăng cường năng lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển...
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc phục hồi và phát triển du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này; đổi mới căn bản, toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học Phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh...
Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022); triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chính sách mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa sau đại dịch COVID-19...
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước. Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 66/2013/QH13; tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thành các dự án thành phần đang triển khai đã được bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả toàn tuyến đường; kiểm toán, quyết toán kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật.
Về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội cơ bản thống nhất với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 như Báo cáo của Chính phủ. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm túc kế hoạch giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" của Quốc hội; giải quyết dứt điểm những tồn tại đã được nêu tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; khẩn trương chỉ đạo rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng...
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chưa đầy đủ theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức, đơn giá không còn phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư cũng như mua sắm vượt quá nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Ngoài ra, triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước, quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, đặc biệt là đất đai, khoáng sản; kiên quyết thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật, đất do hành vi vi phạm pháp luật; hằng năm, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát, xử lý các vi phạm này tại kỳ họp giữa năm.
Quốc hội cũng lưu ý đến việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức thực thi công vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước. Chính phủ tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức.../.
Nguồn VTV