Ký ức thời binh nghiệp
Mặc dù đã được đồng nghiệp ở báo Vĩnh Phúc nhắc nhiều về cựu chiến binh, thương binh Đỗ Văn Ngưỡng nhưng khi gặp mặt, phóng viên vẫn ấn tượng bởi phong cách đậm chất lính: hào sảng, sôi nổi nhưng rất đỗi chân thành, với nụ cười thân thiện và cái xiết tay thật chặt, khỏe khoắn.
Khi chúng tôi gợi chuyện về những kỷ niệm chiến trường, giọng ông bỗng chùng xuống. Ông Ngưỡng kể: đầu năm 1978, ông nhập ngũ tại Sư đoàn 316, Quân khu 2, tham gia chiếu đấu tại tuyến đầu biên giới. Trong một trận đánh tháng 2/1979, tại điểm cao 1046 mặt trận Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ông Ngưỡng bị thương và được đưa về tuyến sau. Khi bình phục, ông Ngưỡng tiếp tục công tác trên nhiều mặt trận, luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã nhận được nhiều Bằng khen của Quân đội, được bạn bè, đồng chí quý trọng, tin yêu. Năm 1981, ông Đỗ Văn Ngưỡng được Quân đội cho ra quân với cấp hàm Thượng úy.
Ông Đỗ Văn Ngưỡng báo cáo điển hình tại Hội nghị (2016). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trở về quê hương với thương tích của chiến tranh, nhưng ông Ngưỡng cho rằng so với các đồng đội, ông còn may mắn hơn nhiều. Ông tâm sự: “Đồng đội của tôi nhiều người đã ngã xuống cho nền độc lập, hòa bình của đất nước hôm nay. Có nhiều người đến bây giờ vẫn còn đang nằm lại đâu đó trên chiến trường chưa tìm được mộ. Tôi hy vọng và mong được giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn, nhất là những gia đình quân nhân, gia đình có công với cách mạng.
Quyết tâm thoát nghèo, làm giàu
Cuối năm 1981, thương binh Đỗ Văn Ngưỡng trở về quê hương bên bờ sông Hồng thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời điểm này nền kinh tế đất nước đang trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhớ lại chặng đường vượt lên khó nhọc, ông tâm sự: “Nhìn thấy cảnh nghèo khó mà bao đêm vợ chồng tôi trằn trọc, suy tư để nghĩ kế làm ăn”. Thế rồi ông Ngưỡng cùng vợ là bà Hà Thị Chi ngược xuôi buôn bán, thu mua nông sản, từ dâu tằm, đỗ, mía, trồng dâu, kéo kén rồi vào mãi tận Thanh Hóa, Nghệ An mua chuối về bán, lên Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái mua sắn, măng, ngô… về xuôi bán.
Đến năm 2002, với sự quyết tâm và được sự động viên của nhiều đồng đội cũ, ông đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh con giống, cây trồng và chăn nuôi, phát triển dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, lúc ban đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm gặp không ít khó khăn. Nhưng bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, sự quyết tâm, tìm tòi, cầu thị và điều quan trọng nhất là giữ uy tín và chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo đã giúp người cựu chiến binh này không lùi bước, dần vượt qua và đứng vững.
Đến năm 2007, ông Ngưỡng mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, vay thêm vốn, thuê 10.000 mét vuông đất ngay sát bờ sông Hồng thuộc xã Vĩnh Thịnh để đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải đường thủy, đường bộ… Không quản ngại gian khó, ông ngược xuôi khắp các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường, chủ động hợp tác với các đối tác, liên kết để tìm kiếm bạn hàng với giá thành phù hợp, các bên đều có lợi để cùng nhau phát triển. Hiện nay, gia đình ông có khoảng từ 25 đến 30 lao động hợp đồng thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ, hầu hết là người địa phương, cựu chiến binh, đồng đội cũ, con em gia đình chính sách trong xã, thu nhập ổn định từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Sống là để tri ân
Nói về những đóng góp của ông Đỗ Văn Ngưỡng đối với địa phương, ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh nhận xét: “Bác Ngưỡng là người tích cực tham gia các phong trào, hoạt động từ thiện, chăm lo giúp đỡ gia đình chính sách, người nghèo trong xã”.
Trong câu chuyện cùng người viết, ông Ngưỡng luôn đau đáu với những hoàn cảnh còn khó khăn của đồng đội cũ và gia đình chính sách, gia đình nghèo trên quê hương mình. Bà Hà Thị Chi, vợ ông tâm sự: “Ở quê tôi, còn nhiều nhà nghèo, chú ạ. Vợ chồng tôi có may mắn hơn nên lúc nào cũng nghĩ đến người nghèo”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng Bằng khen cho Cựu chiến binh Đỗ Văn Ngưỡng (2016). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mỗi năm, gia đình ông Ngưỡng dành hàng trăm triệu đồng để chăm lo công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Ông cùng với gia đình tổ chức các hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa với kinh phí hàng chục triệu đồng; đi thăm, tặng quà tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và thành cổ Quảng Trị. Ông còn hỗ trợ mỗi thôn trong xã Vĩnh Thịnh từ 10 đến 20 triệu đồng để góp phần xây dựng nông thôn mới. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông cho vay từ 5 đến 25 triệu đồng/hộ không lấy lãi để giúp bà con phát triển sản xuất. Vừa qua, ông tặng 10 triệu đồng cho xã Vĩnh Thịnh góp sức phòng, chống dịch Covid-19.
Đại tá Hoàng Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự: “Cựu chiến binh, thương binh Đỗ Văn Ngưỡng luôn giữ vững lập trường chính trị, phẩm chất cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ với quê hương Vĩnh Phúc, là tấm gương sáng cho đồng đội noi theo”./.
Nguyễn Văn Chiến