Từ 3h sáng, bà Nguyễn Thị Mưu (sinh năm 1949) cùng chồng và hai người bạn đi từ An Lão, Hải Phòng về Hà Nội để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Có mặt ở khuôn viên trước nhà tang lễ, bà Mưu không khỏi xúc động, nước mắt bà không ngừng rơi khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù bà chưa từng gặp vị lãnh đạo này ngoài đời.
“Nghe tin bác Trọng mất được 3 hôm nay. Từ hôm đó đến nay, ngày nào tôi cũng xem ti vi để nắm được thông tin đám tang Tổng Bí thư. Dù biết các đoàn đến viếng rất đông, nhưng tôi cùng chồng và 2 người bạn cũng chuẩn bị thực phẩm và sẵn sàng tâm lý đến chiều tối để được vào chào “bác Trọng” lần cuối. Bởi, Tổng Bí thư là người có tâm có tầm với nhân dân”, bà Mưu xúc động nói.
Để được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Đào Thị Ngọc Lan – Hội viên Hội Cựu chiến binh ở thôn Phúc Xuyên, xã Vĩnh Xuyên, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cùng đồng đội của mình đã thuê trọ từ hôm qua để sáng sớm nay có mặt tại nhà tang lễ quốc gia.
“Giây phút này đây, tôi rất hồi hộp để được vào viếng Tổng Bí thư – vị lãnh đạo một lòng son sắt với tổ quốc, với nhân dân. Từ ngày nghe tin Tổng Bí thư mất, ngày nào tôi cũng khóc, bởi bác đã phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng”, bà Lan xúc động nói.
Vừa tâm sự, bà Lan liên tục nhìn vào những tấm hình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bà lưu trong máy điện thoại. Bà nói: “Tôi mong các vị lãnh đạo của đất nước mình, hãy học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và học tập theo phẩm chất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là mong muốn của tôi cũng như người dân thủ đô", Đào Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Ông Trần Đức Nhuận (80 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Trong tôi dâng trào niềm xúc động vô cùng. Cảm xúc này luôn thường trực trong tôi từ hôm 19/7 khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần”.
“Khi Đảng và Nhà nước thông báo Tổng Bí thư mất, vợ con, anh em con cháu trong nhà đều cảm thấy đau buồn. Trước đó không khí gia đình rất vui vẻ, thì từ hôm đó đến nay chùng xuống”, ông Nhuận nói.
Ông Nhuận từng tham gia quân đội, sống ở Hà Nội đã lâu nhưng chưa có duyên gặp Tổng Bí thư "bằng xương, bằng thịt" bao giờ, nhưng ông luôn dành thời gian, tìm tòi tư liệu về vị lãnh đạo vì dân, vì nước này.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn khuôn mặt Tổng Bí thư qua các tấm hình lúc bác làm việc, tôi thấy đây là con người đức độ, nhân hậu. Dù trên một vị trí cao nhất, nhưng phong cách rất hoà đồng với nhân dân. Tôi hy vọng rằng, lớp lãnh đạo kế cận noi gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Nhuận nói.
Chị Đỗ Lê Thuý Hằng cùng em gái của mình từ Đà Lạt (Lâm Đồng) bay chuyến sớm nhất để có mặt ở Hà Nội vào 6h sáng trước Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông). Từ khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, chị Hằng luôn có cảm giác như như mất đi một người ruột thịt.
Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, tôi có cảm giác Việt Nam vừa mất đi một con người vĩ đại và chính tôi mất đi một người thân ruột thịt. Thực sự, tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình ngay lúc này. Tôi chỉ biết rằng bản thân dành sự kính trọng đặc biệt với Tổng Bí thư bởi ông là một người quá đỗi giản dị, một người đảng viên cộng sản tuyệt vời”, chị Hằng chia sẻ.
Là một người trẻ công tác trong lực lượng vũ trang, chị tâm sự trong cuộc sống hằng ngày luôn tìm tòi đọc các tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với Hằng, câu nói mà cô tâm đắc, ấn tượng nhất của Tổng Bí thư là “Nếu là người, hãy làm người cộng sản”.
“Trong cuộc sống hằng ngày Tổng Bí thư có rất nhiều câu nói ý nghĩa để mình vận dụng trong cuộc sống, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, phê và tự phê của người đảng viên. Bác Nguyễn Phú Trọng là tấm gương để thế hệ trẻ chúng tôi noi theo và học tập. Bác là một người rất đỗi giản dị, luôn có tâm với đất nước và dành tâm sức lo cho đất nước, nhân dân những điều vẹn toàn. Để học được Tổng Bí thư rất khó, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng thật nhiều”, chị Đỗ Lê Thúy Hằng xúc động chia sẻ.