Diễn đàn Người Lao động lần đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”, chiều 28/7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự diễn đàn còn có các lãnh đạo Quốc hội, nhiều bộ, ban ngành Trung ương và 500 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động của tất cả các tỉnh, thành phố, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu người lao động cả nước.
Hàng loạt vấn đề được công nhân, người lao động nêu ra tại Hội trường Diên Hồng, trong đó có những tâm tư, nguyện vọng về việc làm và lương, thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, công nhân Công ty May 10 chia sẻ, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra rất phổ biến khiến cho hàng triệu công nhân lao động thiếu hoặc mất việc làm, dẫn đến thu nhập thấp, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhiều công nhân, lao động vướng vào “tín dụng đen”.
Bày tỏ chưa khi nào người lao động mong muốn được đi làm như bây giờ, bà Hồng đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm mới, việc làm bền vững, đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động.
Còn bà H’Chuyên Niê, công nhân Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với người lao động, đi làm trước hết là để có lương nuôi sống bản thân và gia đình, rồi để cống hiến xây dựng đất nước. Vấn đề lương được tất cả đoàn viên, người lao động quan tâm, nhất là với người lao động trực tiếp.
Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên trong thực tế, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng; mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động; lương của phần lớn công chức, viên chức còn cách xa so với nhu cầu cuộc sống cơ bản.
Bà đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, có giải pháp tiếp tục cải thiện lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mức lương tối thiểu vùng để người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm động lực tiếp tục cống hiến cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước.
“Thu nhập đủ sống cũng là một giải pháp phòng, chống tham nhũng và giữ chân công chức, viên chức ở lại trong hệ thống các cơ quan Nhà nước” – bà Niê bày tỏ.
Giải đáp băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, phấn đấu đến 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm thoả đáng.
Vị bộ trưởng cũng đề cập dự kiến lựa chọn 3 khâu đột phá liên quan nhiều đến công nhân. Thứ nhất, tạo thị trường lao động ổn định, trọng tâm là sinh kế và việc làm bền vững. Thứ hai, tập trung vào những thiết chế tối thiểu về y tế, giáo dục. Thứ ba, tập trung phát triển hệ thống nhà ở.
Về vấn đề cải cách tiền lương, ông Đào Ngọc Dung phân tích, trong thời gian 3 năm dịch COVID-19, khu vực công nhân, viên chức không được tăng lương nhưng đối tượng là công nhân, người lao động vẫn được tăng lương tối thiểu vùng. Hai đối tượng được điều chỉnh trợ cấp xã hội là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
Bên cạnh đó, từ, 1/7/2023, tất cả đối tượng liên quan đã đều được điều chỉnh về lương. Ngày 8/8, Bộ LĐ-TB-XH sẽ họp Hội đồng Tiền lương quốc gia cùng với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… để tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2023 hay không và nếu có thì điều chỉnh như thế nào.
“Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hoà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động” – ông Đào Ngọc Dung nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
Quốc hội đã nhiều lần có nghị quyết về vấn đề này, gần đây nhất là Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương, bao gồm khu vực công và khu vực tư tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023 để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực.
Khi chưa cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân, chỉ số lạm phát… Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi tiền lương là thu nhập của người lao động, là chi phí của doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Vương Đình Huệ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát.
Ngọc Thành/VOV.VN