Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh - người có gần 80 năm hoạt động cách mạng vừa từ trần ngày 19/7, hưởng thọ 96 tuổi. Từng giữa vai trò lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, ông Nguyễn Khánh được xem là một cán bộ tâm huyết với công tác nghiên cứu lý luận, chính trị, đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu, bài viết, bài nói chuyện, trong đó có một số bài viết thể hiện nỗi trăn trở của ông về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những nghiên cứu đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc làm trong sạch Đảng.
Không ít cán bộ, đảng viên kém gương mẫu, nói và làm không khớp nhau
Trong bài viết “Xây dựng văn hóa Đảng thực chất là giữ gìn và phát huy tác dụng gương mẫu của cán bộ, đảng viên” được tập hợp trong cuốn sách “Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2010), nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từng chia sẻ quan điểm của mình về văn hóa Đảng.
“Về vấn đề có văn hóa Đảng không? Tôi tán thành ý kiến của một số đồng chí là có văn hóa Đảng. Nhưng văn hóa Đảng là gì? Có phải là một loại hình văn hóa riêng biệt không? Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII có một điều mà tôi cho là rất có giá trị, là Đảng phải lãnh đạo để các đức tính của người Việt Nam, các giá trị văn hóa Việt Nam thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống trong xã hội ta. Đó là cách đặt vấn đề rất sâu sắc”.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, văn hóa Đảng thực chất là hàm lượng văn hóa được thấm sâu vào tư tưởng và hành động của các tổ chức đảng và đảng viên. Nội dung văn hóa Đảng và nội dung văn hóa của xã hội Việt Nam thực chất không phải là hai mà là một, chính là văn hóa, hay nói cách khác là chất lượng đời sống tinh thần của người Việt Nam thể hiện ở Đảng Cộng sản, ở tổ chức của Đảng và đảng viên của Đảng sâu sắc hơn, rõ nét hơn, với hàm lượng cao hơn. Phẩm chất của văn hóa Đảng là phẩm chất của văn hóa Việt Nam cộng với phẩm chất của người đảng viên cộng sản.
Xây dựng văn hóa Đảng thực chất là giữ gìn và phát huy vai trò, tác dụng gương mẫu của Đảng và cán bộ, đảng viên trước toàn dân về tư tưởng, đạo đức, lối sống như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nhận định: “Đảng lãnh đạo mà tổ chức đảng và đảng viên không gương mẫu thì không thể lãnh đạo tốt được. Hiện nay, chúng ta đều biết rằng, trong nhân dân ta vẫn có nhận xét rằng, không ít cán bộ, đảng viên kém gương mẫu, nói và làm không khớp nhau. Hiện tượng một số cán bộ, đảng viên bị tha hóa về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống làm cộm thêm những vấn đề văn hóa trong Đảng, gây tổn thương đến quan hệ giữa Đảng và nhân dân, làm giảm sút sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng. Đúng là như vậy, đó là một nguy cơ đối với Đảng lãnh đạo.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị
Cũng trong cuốn sách “Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2010), ông Nguyễn Khánh có bài viết “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là đòi hỏi của cuộc sống”. Trong bài viết này, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, thực tiễn đòi hỏi Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo mạnh hơn, nhanh hơn và sâu sắc hơn. Không thể đổi mới một cách chậm chạp, đổi mới một cách nhẹ nhàng và đương nhiên không thể đổi mới một cách hình thức.
Vì sao phương thức lãnh đạo chậm được đổi mới? Vì sao yêu cầu, chủ trương đổi mới cách lãnh đạo của Đảng được đặt ra nhiều năm mà đến nay vẫn còn chậm? Vì sao cán bộ lãnh đạo của Đảng ngày nay nói chung có trình độ học vấn khá, được đào tạo tốt, có kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý mà phương thức lãnh đạo, cách thức làm việc lại chậm được đổi mới? Chúng ta cần phân tích xem tại sao lại chậm đổi mới phương thức lãnh đạo. Phải chăng là các cơ quan lãnh đạo còn chủ quan, vẫn thấy lãnh đạo luôn luôn có hiệu quả cao, vẫn thấy cách thức Đảng lãnh đạo Nhà nước như hiện nay là tốt, lòng tin và sự tín nhiệm của dân đối với Đảng và Nhà nước vẫn rất tốt. Vì thế chưa thấy sự cần thiết phải sửa đổi ngay cả những điều đã thấy rõ là không hợp lý.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Khánh, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn có thể là do sự phân vân lo ngại rằng, cải cách mạnh, đổi mới mạnh có thể dẫn đến những thay đổi gây ra những xáo trộn phức tạp về chính trị. Phải xác định dứt khoát: đẩy nhanh cải cách, đồng thời bảo đảm vững chắc sự ổn định chính trị. Đẩy nhanh cải cách, đổi mới để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước chính là một biện pháp quan trọng bảo đảm sự ổn định chính trị.
Cải cách, đổi mới nhanh, mạnh, không do dự nhưng thận trọng, chuẩn bị kỹ về tư tưởng và tổ chức cả về điều kiện vật chất cho từng kế hoạch cải cách. Còn một lý do nữa: không phải là do chủ quan, cũng không phải là do sợ mất ổn định, mà do chưa tìm ra được những hình thức, cách thức, giải pháp mới thích hợp để đổi mới phương thức lãnh đạo.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nhận định, để đổi mới, cải tiến phương thức lãnh đạo được nhanh mà chắc chắn, vững chắc, một mặt phải thấy rõ tính bức bách, tính thời sự nóng hổi của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, thấy rõ trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo, vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới mà quyết tâm đổi mới, mặt khác dồn tâm sức của người lãnh đạo vào việc nghiên cứu lý luận, khảo sát và tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để tìm ra các biện pháp thích hợp và có hiệu quả thực hiện các chủ trương đổi mới./.
PV/VOV.VN