Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế của chúng ta “tiến từng bước, chắc thắng”. Quá trình thực hiện để đạt được thành công như ngày hôm nay có sự đóng góp của nhiều con người, nhiều lực lượng. Trong đó có Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - nhà lãnh đạo đã có đóng góp quan trọng vào quá trình mở cửa hội nhập, đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Ông đã để lại những kinh nghiệm hết sức quý báu, xây dựng nghệ thuật đàm phán ngoại giao kinh tế quốc tế sau này, đó là gắn chặt chính trị - ngoại giao với phát triển kinh tế, trên cơ sở tiềm lực - thực lực của đất nước, “biết mình, biết người”, chủ động, tự tin “ra biển lớn”. Đặc biệt trong giai đoạn là Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Vũ Khoan đã để lại những ấn tượng sâu đậm với đồng chí, đồng nghiệp về tài năng, tầm nhìn chiến lược và phương pháp làm việc trong lĩnh vực thương mại.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng chia sẻ: "Khi tôi về Bộ Thương mại thì tôi có cảm giác như các doanh nghiệp ta cứ chờ khách hàng đến, tôi mới bảo “đi bán hàng mà không chào mời thì ai người ta đến, do đó tôi đã đề nghị và được Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho đặt hệ thống xúc tiến thương mại. Mình chơi với Mỹ thì mình phải theo văn hoá Mỹ. Trong một cuộc tiệc rất to của Hoa Kỳ để mừng sự kiện Hiệp định (BTA) đã được phê chuẩn, tôi cũng đã dùng kiểu văn hóa Mỹ và giới thiệu mở đầu bằng câu là “I have a dream” - tức là tôi có một giấc mơ - câu nói của Luther King. Tôi cũng bảo là đêm qua tôi có một giấc mơ và trong giấc mơ tôi có cảm nhận sẽ gặp các bạn hàng Mỹ thế nào… Mình giới thiệu từng mặt hàng của Việt Nam, rồi mời các doanh nghiệp của Việt Nam đứng lên, từ đó tạo được ấn tượng rất tốt…"
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhiều lần kể về câu chuyện giới thiệu hàng hoá Việt Nam vào Mỹ sau thành công của việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ như một kinh nghiệm quý khi Việt Nam ở giai đoạn bắt đầu tham gia sâu hơn vào kinh tế thế giới và đặt quan hệ với các nền kinh tế lớn nhất thế giới những năm đầu thế kỷ XXI.
Cả cuộc đời ông gắn với sự nghiệp ngoại giao chính trị - ngoại giao kinh tế. Năm 2000, ông được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Thương mại - thời điểm có nhiều quyết sách quan trọng trong mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Kinh nghiệm của một nhà ngoại giao dày dạn, được trau dồi những bài học khi được giúp việc, phục vụ cho những nhà lãnh đạo đất nước và ngành ngoại giao là một lợi thế giúp Bộ trưởng Vũ Khoan nhanh chóng nắm bắt các vấn đề trong lĩnh vực thương mại mà ông chưa từng trải qua. Cùng với các cộng sự nhiệt thành và mong muốn đưa đất nước phát triển nhanh hơn, ông đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hình thành mặt trận ngoại giao kinh tế, xây dựng các chiến lược, chính sách của Đảng ta về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh đổi mới.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng chia sẻ: "Kinh nghiệm ngoại giao tôi muốn nói hai điều: Điều thứ nhất là đàm phán gì thì đằng sau đó cũng là chính trị, dù kinh tế, khoa học, văn hóa, thì hai lợi ích về kinh tế và chính trị nó đều song song với nhau. Bài học thứ hai quan trọng nhất là biết được lợi ích của người ta là gì và lợi ích của mình là gì. Hay là nói theo kiểu phương Đông là phải biết mình, biết người, biết thời thế, biết luật chơi… Hai bài học rất cơ bản về chính trị - nghệ thuật ngoại giao nhưng đồng thời nó cũng áp dụng vào đàm phán thương mại…"
Nhớ về người lãnh đạo Chính phủ và cũng là tiền nhiệm của mình ở Bộ Thương mại, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhận xét về ông Vũ Khoan bằng hai từ “trung thực” và “quyết liệt”: Tôi nhớ năm 2002 khi tôi từ Nghệ An về Bộ Thương mại, tôi thấy tiến trình đàm phán gia nhập WTO của chúng ta rất trì trệ và tôi có viết cho Thủ tướng Phan Văn Khải một lá thư. Tôi nói lại là quá trình chỉ đạo đàm phán đang trì trệ do các bộ, ngành cũng muốn giữ quyền của mình cho nên không chịu mở cửa theo yêu cầu của chuẩn mực WTO.. và do đó tôi đề nghị Chính phủ là phải có một chỉ đạo quyết liệt hơn với các bộ, ngành.
Lá thư này tôi cũng đồng thời gửi cho Phó Thủ tướng Vũ Khoan lúc bấy giờ là người phụ trách mảng kinh tế đối ngoại, trong đó có việc hội nhập. Tối hôm ấy, Thủ tướng Văn Khải đã đi bộ từ nhà mình (ở chùa một cột) sang nhà đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ở đường Phan Đình Phùng) trao đổi lại với đồng chí Vũ Khoan, nói rõ sự việc của tôi và yêu cầu chỉ đạo quyết liệt hơn. Anh Khoan là con người rất trung thực. Hôm sau anh gặp tôi và bảo đêm hôm qua anh Sáu Khải có gặp mình, ông có đưa thư của Tuyển cho mình xem và chính thư ấy thì Tuyển cũng đã gửi cho mình, Tuyển bây giờ là Bộ trưởng thì chỉ đạo quyết liệt đi; Còn nếu có những vấn đề gì vướng mắc thì nói lại với mình để mình tập trung xử lý. Đấy là thái độ rất là quyết liệt trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của chúng ta…"
Từng được trực tiếp làm việc với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và đầu tư) đặc biệt ấn tượng ở ông - một cán bộ “tài - đức” vẹn toàn; một tấm gương cần kiệm - giữ gìn; một nhân cách sống khiêm tốn, cầu thị và ham học hỏi.
TS Lê Đăng Doanh chia sẻ: "Đồng chí Vũ Khoan làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho TBT Lê Duẩn đàm phán với TBT Brezhnev ở Liên Xô rồi phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí làm việc đó rất xuất sắc. Các đối tác đều khâm phục và rất thuyết phục tài ngoại giao – không những là chuyển ngữ mà cách thể hiện của đồng chí rất chuyên nghiệp…Đồng chí Vũ khoan thực sự là người đi tiên phong và có những đóng góp rất to lớn cho việc chuyển đổi quan hệ kinh tế đối ngoại, quan hệ xuất nhập khẩu của chúng ta với những đối tác mới trên cơ sở hội nhập quốc tế. Đồng chí Vũ Khoan cũng đã nêu một tấm gương hết sức cần kiệm và giữ gìn. Đồng chí là cán bộ cao cấp nhưng không có yêu cầu là có nhà cửa hay các tiêu chuẩn khác. Tôi nghĩ rằng đấy là tấm gương sáng để noi theo..."
Những kết quả đem lại từ hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương không chỉ thể hiện qua các con số. Đơn cử, nếu như trước khi có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ mới chỉ có khoảng 780 triệu USD/năm, thì nay Việt Nam xuất siêu vào Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt tới 123,86 tỷ USD.
Từng bước vững chắc, ngày nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang đàm phán 2 hiệp định, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Vị thế quốc gia trong kinh tế thế giới được nâng lên, từ chỗ Việt Nam “tham gia” sang “chủ động, tích cực tham gia”, đồng thời xây dựng các chuẩn mực, quy tắc quốc tế, hay nói cách khác là “định hình luật chơi”. Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan luôn có các đóng góp trực tiếp vào việc đàm phán, hoặc gián tiếp tư vấn, góp ý cho các hiệp định và gắn bó chặt chẽ với công cuộc đổi mới, hội nhập của Việt Nam.
TS Võ Trí Thành cho biết: "Bác gắn với công cuộc cải cách, đổi mới Việt Nam hội nhập ngay từ những năm tháng đầu tiên; và cũng là một người quan trọng dự hội nghị mà qua đấy là Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN năm 1995; rồi APEC, rồi BTA với Hoa Kỳ, WTO… nói chung là cả tiến trình hội nhập. Gần đây nhất thời mới cách đây một tháng còn nghe bác nói qua online tổng kết về bài học hội nhập của Việt Nam và bác cũng có đề xuất một số phương hướng tới trong bối cảnh thế giới biến động rất là nhanh nhiều phức tạp hiện nay…"
Cả một đời không ngừng học hỏi, cống hiến và quan tâm tới thế hệ trẻ là những gì nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - nhà lãnh đạo - nhà ngoại giao kinh tế truyền tại cho lớp cán bộ thực thi nhiệm vụ đàm phán các hiệp định thương mại kinh tế quốc tế sau này. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương xúc động nhớ lại sự quan tâm của Bộ trưởng Vũ Khoan tới việc đào tạo, bồi dưỡng cho những người trẻ, mới về làm việc ở Bộ Thương mại để có đủ kiến thức, bản lĩnh, tư duy, cách ứng xử khi ra làm việc ở môi trường quốc tế.
Ông Lương Hoàng Thái cho biết: "Một trong những điều mà chúng tôi luôn nhớ về hình ảnh của bác là bác luôn nói với thanh niên lúc đó là chúng ta hội nhập quốc tế với tư cách là nước đi sau thì có nhiều người - đặc biệt là thế hệ trẻ có tư tưởng hơi e ngại, nhưng bác luôn nói là giữ vững bản lĩnh của mình. Chính cái đó đã tạo cho anh em tự tin hăm hở để làm công việc lúc đó còn rất mới mẻ - và đó là cái đầu tiên mà tôi luôn nhớ. Cái thứ hai, đó là cách tư duy khi mà tiếp cận những vấn đề đặc biệt trong hội nhập về khu vực, về đa phương. Bác luôn nhắc là chúng ta trước khi bắt tay vào làm thì cần lùi lại một bước, nhìn toàn cục xem vấn đề là ở đâu, để từ đó có thể giải quyết được việc. Và cuối cùng một bài học mà bác luôn nhắc đi nhắc lại đó là học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ… Xuyên suốt quá trình làm việc đó thì mọi người đều nhận thấy là bác Vũ Khoan cũng học được từ Bác Hồ về tư cách và nhân cách. Bác Vũ Khoan nhiều lần kể lại về những câu chuyện về ngoại giao, về ứng xử của Bác Hồ trong thực tế cuộc đời hoạt động của Bác.."
Những câu chuyện một thời chưa xa về Phó Thủ tướng Vũ Khoan còn rất nhiều. Cả một giai đoạn đất nước có nhiều hoạt động hết sức quan trọng trong việc hội nhập kinh tế quốc tế với những dấu mốc như gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Từ những thành công đó dẫn tới việc Việt Nam hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và tự tin. Những người cùng thời hay lớp cán bộ sau này của Bộ Thương mại trước đây, nay là Bộ Công Thương đều nhớ tới ông như một “kiến trúc sư”, đóng góp nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình này. Nhớ tới Vũ Khoan - nhớ một người tài đức.
Nguyên Long/VOV1