Trăn trở, tâm huyết với công tác xây dựng Đảng
Trưởng thành từ một người chiến sĩ kinh qua trận mạc, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1992, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương tín nhiệm bầu vào Ban Bí thư, sau đó được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị. Tháng 12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư.
Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng (cuối năm 1997 đến tháng 4-2001), đồng chí Lê Khả Phiêu luôn trăn trở và dành tâm huyết của mình vào công tác xây dựng Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đồng chí, muốn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, toàn Đảng, toàn dân phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phải chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh... Trong đó, công tác xây dựng Đảng phải được quán triệt và thực hiện theo đúng 10 nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 2-2-1999 của Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay".
Đi liền với đó, trong Đảng và cả hệ thống chính trị phải chống sự suy thoái, hư hỏng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ, đảng viên; thực hiện và phát huy dân chủ để làm cho phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được triển khai nghiêm túc trong thực tiễn… Đặc biệt, phải bảo đảm tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, làm cho Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân…
Song muốn làm được như vậy, điều căn bản và trước hết là mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chú trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ từ cơ sở, ở cơ sở; phòng và chống "tham nhũng và quan liêu, hai căn bệnh đó hiện nay đều nặng, không kém gì nhau. Người dân rất bất bình về tệ tham nhũng, nhưng còn bất bình cả về tệ quan liêu, sách nhiễu; nó gây cho người dân rất nhiều đau khổ, phiền hà. Cho nên chống tham nhũng và quan liêu đều trở nên rất cấp bách"[1]... Phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó, khi bầu nhân sự của cấp ủy khóa mới (khóa XI) theo ý kiến của đồng chí Lê Khả Phiêu là: "Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chống tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền mua lòng nhau để kiếm phiếu"[2].
Sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân
Là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương không chỉ tập trung cho công tác xây dựng Đảng mà còn luôn hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của nhân dân với công tác xây dựng Đảng nói chung, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng thông qua những lần về thăm, làm việc với các địa phương như: Hà Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và các bộ, ngành; đi kiểm tra chống lũ ở các tỉnh miền Trung cuối năm 1999; góp ý với Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhân vụ bạo loạn ngày 2-2-2001 và các diễn biến phức tạp sau đó…
Trong những lần đi thăm, làm việc đó, đồng chí Lê Khả Phiêu đều nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải kiên định lý tưởng cách mạng; phòng và chống nguy cơ suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức; phải "thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không để quyền lực tập trung vào một người hoặc một nhóm người. Đồng thời, phải xây dựng chuẩn mực về hành vi đối với người có chức, quyền cho rõ ràng: Là bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, tổng giám đốc hoặc trưởng ban, trưởng dự án... đều được quy định hành vi cho có chuẩn mực"[3]
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu thôi giữ trọng trách Tổng Bí thư, song đồng chí quan niệm “khi tim còn đập thì còn cống hiến” và luôn nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên cộng sản. Đồng chí Lê Khả Phiêu không chỉ trăn trở với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; kiện toàn và đổi mới tổ chức hệ thống chính trị mà còn thường xuyên quan tâm đến chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Tận tâm vì Đảng, vì nước, vì dân, cống hiến của đồng chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, ngày 25-8-2019, cho nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đó chính là tấm gương người cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, tác phong gần gũi quần chúng, phương pháp làm việc luôn sâu sát, cụ thể, hiệu quả và trên hết là luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân.
————
[1] Lê Khả Phiêu: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t.2, tr.122.
[2] Lê Khả Phiêu: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t.2, tr.893.
[3] Lê Khả Phiêu: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t.2, tr.123.
Theo Hanoimoi