Kỷ niệm 120 năm ngày sinh ông Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902-1/2/2022), sáng 24/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo "Đồng chí Nguyễn Phong Sắc- Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam".
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự Hội thảo.
Tiếp thu truyền thống dân tộc, quê hương và gia đình, ông Nguyễn Phong Sắc đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. Năm 1926, ông Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và sớm nhận thấy yêu cầu đặt ra phải có một tổ chức Đảng Cộng sản. Ông đã trở thành một trong những thành viên sáng lập Chi bộ Đảng đầu tiên lại số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội.
PGS.TS Hoàng Trang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, ông Nguyễn Phong Sắc đã có quá trình hoạt động gắn liền với sự chuẩn bị những điều kiện để Đảng ra đời. Ông là người đứng đầu các tổ chức thanh niên Hà Nội, là thành viên của Ban lãnh đạo Thanh niên Bắc Kỳ, hoạt động rất tích cực, đã nhận thấy rất rõ, rất sớm những yếu tố của phong trào cách mạng Việt Nam từ tự phát đã đến tự giác. Đã đến tự giác, tức là tự thân nó đòi hỏi phải có một tổ chức cao hơn, đó là Đảng Cộng sản.
Đặc biệt, giai đoạn 1930-1931, ông Nguyễn Phong Sắc góp phần quan trọng thành lập chính quyền Xô Viết trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ những hạn chế của phong trào Xô Viết, là đưa ra khẩu hiệu “trí, phú, địa hào- đào tận gốc, trốc tận rễ”, sau này, với bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản, ông Nguyễn Phong Sắc đã dám nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đây là nét tiêu biểu nhân cách cộng sản ông Nguyễn Phong Sắc.
PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Ông Nguyễn Phong Sắc cho rằng phê phán câu chuyện trên là một tư tưởng ấu trĩ, tả khuynh… Đó là một thái độ, một tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, là một trong những bài học lớn nhất mà như bây giờ Đảng ta nói là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm gắn đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung của dân tộc".
Tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, ông Nguyễn Phong Sắc để lại tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực luôn hết lòng phấn đấu, hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả độc lập đân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh những đóng góp to lớn của ông Nguyễn Phong Sắc góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Thủ đô Hà Nội.
"Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào và nguyện viết tiếp những trang sử hào hùng oanh liệt mà các bậc tiền bối các chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội, trong đó có ông Nguyễn Phong Sắc để lại. Tiếp tục kế thừa phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và hòa bình sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết./.
Lại Hoa/VOV1