Trong bài 2 của loạt bài xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và một số vấn đề đặt ra, đã nêu một số định hướng, nhiệm vụ để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đây có thể coi là một khâu đột phá của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo phát triển là khâu đầu tiên trong ba đột phá chiến lược.
So với Nghị quyết tại các kỳ Đại hội trước, nội hàm của thể chế phát triển mang tính toàn diện hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Vậy cần đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như thế nào?.
"Chúng tôi hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đi xin một số giấy phép liên quan hoạt động kinh doanh. Chúng tôi nghiên cứu thì luật, nghị định quy định thế này, nhưng khi đến cơ quan đó, họ lại đưa ra bản hướng dẫn có thêm cái mới. Đấy là rắc rối".
“Làm thế nào để giúp đỡ nhân dân, quan tâm tới nhân dân, không để cảnh úng lụt, ngập mãi trong 18 năm qua, không được xây nhà mới, không được cấp sổ đỏ, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhân dân".
"Ba năm chúng tôi mới có được một dự án, vậy cuối cùng chi phí rất lớn đang gánh, thì doanh nghiệp phải tính toán bằng cách tăng giá thành".
Ba năm, 18 năm hay có thể lâu hơn thế… những con số là minh chứng rõ nhất cho thấy sự chậm trễ hay thiếu cụ thể của pháp luật có thể dẫn đến chậm trễ thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp, chậm trễ cơ hội làm ăn của người dân, doanh nghiệp. Lỗ hổng, kẽ hở của pháp luật chính là cơ hội để tiêu cực, nhũng nhiễu phát sinh.
Từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua đến nay, nhiều bộ luật cơ bản cùng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác đã thể chế hóa các nguyên tắc pháp quyền, dân chủ như Bộ luật dân sự 2015, Luật đầu tư, luật doanh nghiệp 2020, luật tố tụng hình sự năm 2015, các luật về tổ chức bộ máy…Vậy nhưng, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất, thiếu khách quan, tính lợi nhiều hơn cho công tác quản lý mà thiếu xem xét đến lợi ích chung vẫn là tồn tại lâu nay của hệ thống pháp luật. Cũng vì thế, ranh giới giữa đúng và sai, giữa tuân thủ và tùy tiện đôi khi khó phân định.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không cho phép tồn tại những văn bản pháp luật đó. Bởi giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền là bảo vệ, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Phải xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, 8 tính chất của luật pháp của nhà nước pháp quyền được Đại hội XIII xác định rất cụ thể. Hệ thống pháp luật đó phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của doanh nghiệp, của cơ sở sản xuất làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Đây là quan điểm rõ ràng, cụ thể đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đặc biệt lĩnh vực lập pháp".
Tám tính chất của luật pháp trong nhà nước pháp quyền: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định không chỉ là đòi hỏi mà là mệnh lệnh của sự ĐỔI MỚI xây dựng thể chế pháp luật một cách căn cơ và cốt lõi. Đó cũng là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp quan trọng đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: "Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn".
Và đây cũng là trăn trở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Khát vọng hùng cường, khát vọng phát triển, ý chí quật cường của dân tộc, phải trông chờ vào các đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế. Làm sao có một hệ thống luật pháp về hình thức phải đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận. Về mặt nội dung phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn nữa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa".
Đột phá thể chế pháp luật không chỉ ở quy trình, thủ tục mà quan trọng ở tư duy, tầm nhìn trong xây dựng luật, không chỉ chú trọng số lượng mà tập trung đầu tư về chất lượng dự liệu trước các khả năng có thể xảy ra trong dài hạn. Tư duy về phương pháp luận và kỹ thuật lập pháp cần phải tiếp tục thay đổi. Theo Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải rất coi trọng chất lượng soạn thảo, thẩm định dự án luật.
"Năng lực của Chính phủ là năng lực nhận biết vấn đề, tìm ra nguyên nhân của vấn đề và đề ra giải pháp lập pháp để xử lý vấn đề đó. Năng lực của Quốc hội là đánh giá có cần luật đó hay không, người dân được lợi gì, thẩm định các lợi ích liên quan", Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng phân tích.
Thay vì chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình rồi mới cho ý kiến như cách làm truyền thống, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho các cơ quan Chính phủ thông qua các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và có điều chỉnh nếu cần thiết.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển nhận xét, đây là sự đổi mới cần thiết trong mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ nhằm tạo đột phá mạnh mẽ về cách thức xây dựng thể chế pháp luật.
"Quốc hội duyệt trước về chính sách, tôi chấp nhận 1,2,3 chính sách này, khi Chính phủ, các bộ làm thể hiện ra các điều luật và các điều luật đó phải bám vào các chính sách đã được duyệt, nếu không bám theo các chính sách thì Quốc hội phải gạt. Quy trình làm luật phải minh bạch rõ ràng khoa học, vấn đề chính sách và luật gắn chặt với nhau", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.
Ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phải coi việc thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật là phương thức Quốc hội kiểm soát lại hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo dự án luật. Bởi Luật pháp do Quốc hội thẩm tra, thống nhất ban hành chính là làm cho quyền lực nhà nước đi đúng với nguyện vọng, tâm tư và đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân. Mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng nhà nước do dân, vì dân và phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của nhân dân.
Bên cạnh đó, phải làm sao để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia phát huy hết trí tuệ, dám nói, dám phát hiện, dám phân tích, tranh luận, từ đó tìm ra các phương án điều chỉnh tối ưu trong các văn bản luật.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, cơ bản là đề cao nhân tố con người, hoạt động xây dựng pháp luật phải thực sự dân chủ từ quy trình đến nội dung. Các văn bản pháp luật ngay từ soạn thảo đến ban hành phải thể hiện và tạo cơ chế thực hiện được ý chí, quyền lợi chính đáng của nhân dân nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp. Một khi các văn bản pháp luật có nội dung tốt, thực sự bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và đặc biệt được thực thi tốt, khi đó ý thức thượng tôn pháp luật cũng sẽ trở thành ý thức tự nhiên trong xã hội. Bởi lúc đó, người dân, doanh nghiệp sẽ thấy được lợi ích từ việc tuân thủ pháp luật cao hơn nhiều so với việc không tuân thủ pháp luật.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách trong giai đoạn soạn thảo. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên Ban điều hành Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, việc người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật ngay từ giai đoạn soạn thảo là cần thiết song phải tiến hành thực chất.
"Quá trình này cần thực hiện dân chủ, mọi công đoạn cần làm thực chất, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia không, tham gia rồi thì được tiếp thu như thế nào, phải có trách nhiệm giải trình. Không có giám sát của dân và doanh nghiệp thì mọi luật sẽ thiếu tính khả thi", Luật sư Trần Hữu Huỳnh nêu quan điểm.
Không có thể chế đúng, không có thể chế có chất lượng tốt, dân chủ, công bằng, nhân văn, chứa đựng những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền thì không thể xây dựng nhà nước pháp quyền. Đổi mới thể chế pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân cần có đột phá về tư duy, trách nhiệm và quyết tâm vì lợi ích chung trong hoạch định và thực hiện chiến lược xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật, chiến lược nguồn nhân lực pháp luật đáp ứng yêu cầu của phát triển, hội nhập và xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa./.
Nhóm PV/VOV1