Hiện, cả nước có khoảng 67.300 doanh nghiệp công nghệ số, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12 năm 2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng lên cũng đem lại kỳ vọng sẽ có nhiều người sử dụng các nền tảng số do các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu phát triển.
Vậy, làm thế nào để có thể thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Make in Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành công? Đây sẽ là nội dung trong Bài 2 của loạt bài “Chuyển đổi số - Thúc đẩy sử dụng nền tảng số”, với nhan đề “Nhận diện thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số”.
Thách thức đầu tiên của chuyển đổi số chính là nhận thức. Thực tế, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra không đồng đều trong từng ngành, từng lĩnh vực. Năm ngoái, Bộ Tài chính có chỉ số chuyển đổi số đạt mức 0,63 điểm cao gấp hơn 2 lần so với Bộ Xây dựng. Tỉnh Bạc Liêu có chỉ số chuyển đổi số đạt 0,23 điểm thấp hơn đơn vị đứng đầu là Thành phố Đà Nẵng tới 3 lần (0,68).
Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: "Về nhận thức chuyển đổi số phải thực hiện trong toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề mua sắm thiết bị công nghệ, mà còn là về thể chế và chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức.
Thành công của công tác chuyển đổi số, thì công nghệ chỉ đóng góp 20% còn 80% là phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức triển khai. Tức là những nơi mà tập trung vào công nghệ 80 % thường sẽ thất bại. Chuyển đổi số quan trọng nhất là sự tham gia tất cả mọi người, mọi bộ phận trong tổ chức, mọi thành phần trong xã hội".
Một trong những thách thức nữa đối với chuyển đổi số ở nước ta là lộ, lọt thông tin dữ liệu và rủi ro là bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vay tiền trong những ứng tài chính online không được cấp phép…
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội - nêu rõ: "Khi thông tin của chúng ta ta bị mua bán, bị đánh cắp, bị chiếm đoạt, thì chúng ta sẽ bị những cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn rác quấy rầy. Vấn đề thứ hai nữa là những đối tượng sử dụng thông tin chúng ta có thể thiết lập những tài khoản ngân hàng, những tài khoản mạng xã hội, để thực hiện các hoạt động lừa đảo hoặc thực hiện hành vi mục đích cá nhân của họ.
Dẫn đến câu chuyện là khi sự việc xảy ra, thì cơ quan chức năng hoặc cá nhân sẽ tìm kiếm đến mình, vì họ nghĩ đó là mình thực hiện và tạo ra những sự vụ, mà chúng ta phải tham gia giải quyết một cách không mong muốn. Vấn đề nữa là khi chúng ta bị lộ thông tin cá nhân, thì sẽ tạo ra sự nguy hiểm cho bản thân cá nhân, cũng như gia đình".
Chuyển đổi số có nhanh hay không còn phụ thuộc vào việc xã hội sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ này hiện chưa cao. Hiện nay, các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được tích hợp, kết nối với nhau bao gồm dữ liệu về bảo hiểm xã hội, công dân, tìm vaccine Covid-19, thẻ căn cước công dân, cán bộ, giáo viên, định danh trẻ em đăng ký khai sinh.
Nếu như tất cả các dữ liệu được kết nối với Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin truyền thông chủ trì thì dữ liệu sẽ được chia sẻ trên quy mô toàn quốc.
Tuy nhiên, không phải dữ liệu nào cũng đã liên thông. Do đó, bên cạnh việc vận hành Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến, còn cần phải đẩy mạnh kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: "Khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt mức độ cao thì chúng ta biết quan trọng nhất là các dịch vụ công trực tuyến đó phải được kết nối với các cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước khác, để làm sao người dân không phải nộp hồ sơ giấy. Cho nên việc kết nối chia sẻ cũng cần đẩy mạnh, để trong thời gian tới chúng ta mới có thể triển khai được dịch vụ công trực tuyến mức độ cao".
Như vậy, chuyển đổi số chỉ thành công nếu khắc phục được các thách thức từ nhân lực, an toàn thông tin cho đến việc kết nối và chia sẻ dữ liệu. Một trong những giải pháp là đẩy mạnh sử dụng các nền tảng trong hệ sinh thái các nền tảng số Make in Việt Nam.
Ví dụ như: Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc, Nền tảng thương mại Vỏ Sò, Nền tảng tạo đề thi và bài tập online Azota, Bộ thiết bị Mesh Wifi, Trung tâm điều hành thông minh IOC, Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Misa, Bản đồ số Map 4D…
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự có thể giúp mỗi người dân biết cách thực hành các kỹ năng số cơ bản, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, tự bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, thì cần có thêm nhiều hơn nữa các nền tảng số của người Việt. Khi sử dụng các giải pháp nền tảng công nghệ số trong cuộc sống, người dân sẽ dần tích luỹ kinh nghiệm thực hành các nhóm kỹ năng số cơ bản.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: "5 nhóm kỹ năng số cơ bản cho người dân mà Bộ Thông tin và Truyền thông muốn thúc đẩy: Kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thứ hai là kỹ năng mua sắm trực tuyến. Thứ ba là kỹ năng thanh toán trực tuyến, làm sao để mỗi người dân đều có một tài khoản và thanh toán được trực tuyến. Kỹ năng thứ tư là kỹ năng làm sao để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ và rủi ro trực tuyến. Và thứ năm là trung bình mỗi người dân của chúng ta hiện nay thì dành 5 - 6 tiếng/ngày trên không gian mạng, mà dường như chúng ta đang dành nhiều thời gian vào đọc tin với giải trí nhiều hơn".
Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022), cùng với các hoạt động phổ biến kỹ năng số được các Tổ Công nghệ số Cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thì thông qua việc sử dụng các dịch vụ số trong Chương trình “Tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số” sẽ tạo động lực giúp người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đang cần mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thêm kế hoạch khuyến khích mọi người sử dụng các nền tảng số Make in Việt Nam, đã được công bố trên Cổng Thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia dx.gov.vn. Đặc biệt, người sử dụng phải quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn thông tin khi sử dụng các nền tảng số.
Theo ông Lê Quang Hà - Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel - nếu chỉ đầu tư các giải pháp kỹ thuật, thì cũng không thể đảm bảo an toàn thông tin, mà cần phải có đội ngũ nhân lực an toàn thông tin.
Ông Lê quang Hà cho biết thêm: "Tập trung vào phát triển nguồn lực con người về đảm bảo an toàn thông tin là vấn đề quan trọng nhất. Song song với việc đầu tư giải pháp kỹ thuật, chúng ta đầu tư triển khai trong mạng lưới để phát hiện phòng chống tấn công hiệu quả, thì chúng ta cần phải có đội ngũ con người. Nếu như chúng ta chỉ mua giải pháp về và triển khai trong hệ thống, thì chúng ta sẽ không thể chống được phía bên kia là những con người thiện chiến tấn công vào mạng của chúng ta".
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức phát động Chương trình “Tháng Mười – Tháng tiêu dùng số” tại địa chỉ dx.gov.vn. Khi có nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ số, với chính sách ưu đãi lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ, thì chuyển đổi số sẽ phổ cập tới từng người dân. 52 giải pháp nền tảng số Make in Việt Nam được công bố đang là những sản phẩm, giải pháp giúp người sử dụng thực hành các kỹ năng số, góp thúc đẩy thành công quá trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây cũng là bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia./.
Mai Hạnh/VOV1