Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: TTXVN)
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi có tới 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hậu quả của dịch COVID-19 vẫn tác động xấu đến khả năng ra đời của doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ có hiệu quả trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện tốt để nhân lên niềm tin, khởi sự kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính trung bình giai đoạn 2017-2021 thì con số này cũng gấp 1,2 lần.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.
Nổi bật, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp thành lập mới. Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; Thành phố Hồ Chí Minh có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 là 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021.
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ phó phụ trách Vụ Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, những con số trên phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang đối diện không ít khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn.
Lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như: thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Theo bà Phí Thị Hương Nga, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động lớn do dịch bệnh COVID-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới. Thu hút đầu tư vào nhiều ngành vẫn gặp khó khăn, tiến độ thi công một số công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
Trong khi đó, đào tạo nghề và tuyển dụng lao động vào làm việc tại doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành trong năm 2022. Đây là nội dung rất quan trọng, sẽ giúp tháo gỡ “nút thắt” đối với doanh nghiệp do luôn lúng túng khi đối phó, giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần cải cách sâu rộng và liên tục, cắt bỏ những điều kiện, quy định bất hợp lý với tinh thần kiên quyết và nội dung thực chất vì doanh nghiệp thì mới có thể thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp.
Chính phủ cũng chỉ đạo triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội lớn nhất từ trước tới nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; trong đó, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng. Đây được coi là cơ hội giúp các doanh nghiệp hồi sinh sau hai năm vật lộn với đại dịch.
Các chuyên gia nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc tiếp cận tín dụng lãi suất thấp, miễn giảm tiền thuê đất, thuế, phí...theo tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để doanh nghiệp có điều kiện ra đời, hoạt động hiệu quả.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là động thái kịp thời và thiết thực đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Cùng với đó, việc sẵn sàng thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay 2% cũng sẽ là điều kiện tốt để nhân lên niềm tin, khởi sự kinh doanh của cộng đồng. Hiện, các ngân hàng đã đăng ký và công bố nguồn vốn cho doanh nghiệp vay theo mục tiêu nói trên.
Đơn cử, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đăng ký trong năm 2022 và 2023 dự kiến sẽ dành nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Thống kê, Chính phủ cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì nguyên vật liệu là đầu vào của các ngành sản xuất; đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc.
"Chính phủ cần có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước; đồng thời, triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả” - lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhấn mạnh./.
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)