Nếu được Quốc hội thông qua những chính sách đặc thù, Đà Nẵng sẽ trở thành địa phương đầu tiên ở Việt Nam xây dựng khu thương mại tự do
Hiện nay, rất nhiều quốc gia lân cận Việt Nam đã phát triển thành công với mô hình khu thương mại tự do như Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong năm 2022, các khu thương mại tự do đã đóng góp lên tới 18,1% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiếm 17,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, dù chỉ chiếm 0,4% diện tích tự nhiên trong phát triển kinh tế thông thường.
Không chỉ là thí điểm mà phải tính nhân rộng
Việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế Việt Nam nói chung. Do vậy, khi thảo luận cơ chế này, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận với chủ trương xây dựng khu thương mại tự do. Song một trong những vấn đề mà nhiều người đặt ra là chính sách, cách thức triển khai ra sao để tạo sự khác biệt, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của Việt Nam.
ại biểu Trần Hoàng Ngân, TP.HCM, nêu quan điểm ông ủng hộ cơ chế về thành lập khu thương mại tự do. Đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới và đặc biệt những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc là 21… Hơn 30 năm qua, khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung của các nước. Tuy vậy, điều ông Ngân muốn là làm sao để Đà Nẵng triển khai thành công và nhân rộng mô hình này ra cả nước.
Theo vị đại biểu này, các thành phố, các địa phương của Việt Nam hiện nay có đặc điểm tương tự, có rất nhiều cảng chúng ta kết nối với khu thương mại tự do như cảng ở Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… có thể áp dụng ngay mô hình này.
Đồng quan điểm, Đại biểu Lưu Bá Mạc, Lạng Sơn, thông tin hiện nay, các quốc gia không ngừng điều chỉnh, áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, trong khi đó tại Việt Nam, khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật. Do vậy, rất cần được thí điểm và đây cũng sẽ là cơ sở để tổng kết, rút kinh nghiệm.
Từ đó, giúp cho quá trình luật hóa các quy định về khu thương mại tự do trên cả nước, tiến tới từng bước nhân rộng ra phạm vi toàn quốc.
Theo Đại biểu Lã Thanh Tân, Hải Phòng, các khu thương mại tự do đều được áp dụng hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập DN nhằm mục tiêu thúc đẩy ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Vì vậy, ông cho rằng cần thiết phải có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thí điểm khu thương mại tự do ở Đà Nẵng hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao.
Đồng thời, khu thương mại tự do ở Đà Nẵng cần được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập DN, miễn, giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế và áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan, chính sách về thu phí hải quan, thuế quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội khi thông qua thí điểm về chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù cho khu thương mại tự do TP Đà nẵng thì Quốc hội, Chính phủ xem xét cho các tỉnh, thành phố khác được thành lập khu thương mại tự do và được thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù như TP Đà Nẵng để kịp thực hiện quy hoạch.
Thủ tục hành chính cần đẩy nhanh, cởi mở
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, khu thương mại tự do là một khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, thu hút tài chính, thương mại, du lịch và các dịch vụ chất lượng cao, mục tiêu là như vậy. Hiện nay, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì có 2 chính sách mà Bộ KH&ĐT nghiên cứu thấy rất quan trọng, đó là thủ tục hành chính.
“Ở Thượng Hải, 1 nhà máy ô tô của Tesla cũng 2-3 tỷ USD, tôi không nhớ chính xác nhưng từ khi khởi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng có 11 tháng. Một trung tâm thương mại mấy trăm triệu USD từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào khai thác 68 ngày. Tại sao người ta lại làm được? Vẫn là thủ tục hành chính”, ông Dũng dẫn chứng.
Lần này Đà Nẵng có đề xuất và ông Dũng cho biết Bộ KH&ĐT rất ủng hộ là phải thí điểm đưa cơ chế chính sách đột phá, đó là thủ tục hành chính, là một cửa tại chỗ và phân cấp triệt để, mạnh dạn triệt để chứ không nửa vời. Tại sao không ủy quyền lại cho Đà Nẵng và ủy quyền lại cho Ban Quản lý quyết định thì tất cả mọi thứ sẽ nhanh, như vậy sẽ tạo được môi trường rất tốt để thu hút đầu tư", Bộ trưởng KH&ĐT gợi ý.
Hay chính sách thứ hai là cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở khu kinh tế tự do mà không cần phải có dự án. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đã có những khái niệm là kinh tế văn phòng, tức là cho phép các doanh nghiệp này đặt văn phòng mà không cần dự án, để đóng góp lớn cho phát triển.
"Những nhà đầu tư lớn lập văn phòng là đương nhiên người ta đã có đóng góp, nếu như chưa có dự án, đương nhiên người ta vào đây không phải để chơi, người ta cũng sẽ lập dự án, nếu chúng ta lại ràng buộc ngay lúc đầu rồi thì sẽ mất cơ hội", ông Dũng nói.
Theo VNBusiness