Sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực
Tờ Công an Nhân dân cho biết, trong tháng 10 và 11, các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong đó, nhiều tỉnh thành phía Nam ghi nhận trên 90% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, khôi phục chuỗi sản xuất.
Tạp chí Hải quan ghi nhận, sau nhiều tháng lỗ liên tiếp, bước sang tháng 10, 11, trong lĩnh vực sản xuất, một số doanh nghiệp đã có lợi nhuận trở lại. Ở lĩnh vực bán lẻ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 18% so với tháng trước, ước đạt 358.000 tỷ đồng.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Tờ Đại biểu Nhân dân cho biết, xuất khẩu thủy sản cũng đang dần ổn định và hồi phục với kim ngạch tháng 10 đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9 và đạt gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của hầu hết các sản phẩm chính đều tăng như tôm, cá ngừ, bạch tuộc, cua, ghẹ…
Cũng về phản ánh về tình hình xuất khẩu, báo Tuổi trẻ cho biết, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán trong hơn 2 - 3 tháng trước. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lao động "khởi sắc"
Cách đây vài tuần, báo chí phản ánh rất nhiều về tình hình thiếu lao động tại các nhà máy hiện tần suất các bài viết như vậy đã giảm. Thậm chí, tờ Đại đoàn kết còn lạc quan nhân định rằng thị trường lao động đang "khởi sắc".
Ở nhiều địa phương, thị trường lao động hiện rất sôi động với hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Mức lương cũng được đưa ra cũng khá cao, dao động từ 10 - 20 triệu đồng/người/tháng.
Thị trường lao động đang "khởi sắc". Ảnh minh họa - Dân trí.
Khó khăn vẫn còn
Tình hình kinh tế đã có những điểm sáng nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Lạm dụng tình hình tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh không hiệu quả, không có lãi, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến cho việc vay tiền phục vụ sinh hoạt kinh doanh tăng cao và hoạt động tín dụng đen đang dần "nở rộ".
Báo Đại đoàn kết cho biết, đánh liều tìm đến với trang wed cho vay online, một số người có nhu cầu tín dụng đã rơi vào bẫy "tín dụng đen" và bị tán gia bại sản vì những khoản lãi khổng lồ cộng dồn mỗi ngày.
Có những trường hợp, một số đối tượng cho vay với lãi suất 100%/năm, thậm chí còn có với cho vay 300%/năm. Cụ thể hơn tờ Diễn đàn doanh nghiệp đã ghi lại câu chuyện về những người khốn khổ vướng vào vòi bạch tuộc không có lối thoát khi lỡ vay tiền từ các app đen.
Từ vay tiền qua một app ban đầu, một phụ nữ ở Trà Vinh sau đó đã vay từ 50 app khác nhau, số tiền thực nhận chỉ 100 triệu đồng. Nhưng số tiền bị phạt do không trả được lên đến gần 500 triệu đồng. Sau nhiều lần bị đe dọa, khủng bố tinh thần, chị đã phải gửi đơn đến cơ quan công an cầu cứu.
Báo Điện tử Vietnamnet cũng kể về một trường hợp khác ở Bình Dương. Sau khi vay hàng chục app, số tiền nợ quá lớn và liên tục bị gọi điện đòi nợ, một người đàn ông đã trải qua những ngày "sống không bằng chết". Người thân của gia đình anh đã sống không yên khi bị nhân viên của các app gọi điện đe dọa.
Cho vay qua app là hình thức mới chưa có hành lang pháp lý nhưng luật cũng không cấm hoạt động này. Chủ sở hữu của các app đã lách luật bằng cách thành lập ra 2 công ty. Một công ty có chức năng công nghệ để vận hành app và một công ty có chức năng cầm đồ để giải ngân.
Văn phòng của các công ty này rất bí ẩn và người vay không thể gặp nếu muốn liên hệ làm việc. Chính vì vậy, một số ý kiến cho rằng cần có những văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Chính phủ cần ban hành một nghị định riêng quy định cho việc vay qua app là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Trong đó, quy định bắt buộc các app cho vay tiêu dùng muốn được hoạt động phải đăng ký, niêm yết chủ sở hữu, trụ sở làm việc cụ thể, công khai lãi suất và các khoản phí để khi người dân có điều kiện chọn lựa khi muốn vay tiền.
Có như vậy mới có thể quản lý, giám sát, truy trách nhiệm để tránh tình trạng người dân bị rơi vào bẫy cho vay nặng lãi và những người không liên quan đến khoản vay bị khủng bố đòi nợ.
Nguồn VTV