Để xây dựng chiến lược đối phó đại dịch, cơ sở lý thuyết mà các nhà quản lý công thường nghĩ đến đầu tiên chính là mô hình tam giác chiến lược của Mark Moore 1995, trong đó ba yếu tố cần được cân nhắc gồm: giá trị, tính hợp pháp và sự ủng hộ, cuối cùng là năng lực vận hành.
Đại dịch này đang được đánh giá là một thách thức khủng hoảng chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay nên việc lên kế hoạch đối phó luôn phải thực hiện theo chiến lược “dò đá qua sông”, mọi quyết định hay động thái của các nước đều có thể thay đổi chóng vánh trong thời gian ngắn, thậm chí là rất ngắn.
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn lại cả một giai đoạn chống dịch vừa qua trên thế giới, ta sẽ thấy rằng nền tảng xây dựng chiến lược công vẫn có thể áp dụng trong tình huống này và khi nhận ra được quy luật chung của từng nước, các lãnh đạo sẽ có thể nhanh chóng tự xây dựng chiến lược chống dịch Covid-19 hiệu quả cho bộ máy quản lý của mình, ngay cả trong trường hợp chủng virus SARS-CoV-2 có tạo ra biến thể mới nguy hiểm hơn hay tình hình lây lan dịch bệnh có nghiêm trọng hơn.
“Phong tỏa“ quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: TBKTSG
Để xây dựng chiến lược đối phó đại dịch, cơ sở lý thuyết mà các nhà quản lý công thường nghĩ đến đầu tiên chính là mô hình tam giác chiến lược của Mark Moore 1995, trong đó ba yếu tố cần được cân nhắc gồm: giá trị, tính hợp pháp và sự ủng hộ, cuối cùng là năng lực vận hành.
Đâu là những giá trị công mà chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 cần hướng đến?
Giá trị mục tiêu công của chiến lược phòng, chống dịch rất cần được lãnh đạo các quốc gia định nghĩa lại một cách rõ ràng, nhất là đối với một chủng virus mới xuất hiện mang những đặc điểm và rủi ro khó lường. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, các giá trị nên được cân nhắc tính nặng nhẹ và mức độ ưu tiên thực hiện.
Vai trò của các chuyên gia về y tế, chính sách, kinh tế - xã hội,... cần được phát huy nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, giữa các tổ chức trong hệ thống và đặc biệt là khả năng kết nối năng lực vận hành ngoài phạm vi quốc gia.
Hiện nay, hai giá trị trong ngắn hạn mà lãnh đạo và quản lý các nước đang muốn hướng đến đó là khống chế mức độ lây nhiễm cộng đồng trong phạm vi kiểm soát của hệ thống y tế, năng lực quản trị quốc gia và đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn lực cho xã hội, đặc biệt là phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh cấp bách.
Một giá trị cần đạt được trong dài hạn đó là việc tạo được hệ thống miễn dịch cộng đồng, giúp cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh có thể sớm chấm dứt để đưa cuộc sống của người dân dần quay trở lại trạng thái ổn định.
Trong giai đoạn đầu chống dịch, hai giá trị trong ngắn hạn sẽ được đề cao nhiều hơn, nhất là khi quá trình nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra vaccin miễn dịch vẫn chưa có kết quả. Thụy Điển là quốc gia tự tin vào khả năng tạo ra miễn dịch cộng đồng thông qua việc chấp nhận để dịch bệnh tự do lây nhiễm và đã phải nhanh chóng quay về trạng thái hạn chế người dân khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Vấn đề được đặt ra ở đây không chỉ là việc sớm đạt được mục tiêu dài hạn như thế nào mà còn là cái giá phải trả cho việc đạt được giá trị đó có đáng để người dân ở mỗi nước phải đánh đổi hay không?
Trong giai đoạn hiện nay, khi hoạt động nghiên cứu vaccin đã đạt được những thành tựu đáng kể, lãnh đạo các quốc gia bắt đầu xây dựng chiến lược hướng đến giá trị miễn dịch cộng đồng. Nguồn lực kinh tế để có đủ vaccin cung cấp cho người dân là trở ngại lớn đối với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề khiến nhiều chuyên gia băn khoăn là các loại vaccin đã tạo ra hiện nay có thực sự giúp cho nhân loại đạt được miễn dịch cộng đồng hay không, nhất là khi SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục có thêm những biến thể mới và không có dấu hiệu dừng lại.
Thực ra cả ba giá trị trong ngắn hạn và dài hạn nêu trên đều quan trọng như nhau, trong ngắn hạn, nếu các nước không đủ sức quản lý tình hình lây nhiễm và huy động được các nguồn lực hỗ trợ thì hậu quả là ngoài việc không dám nghĩ đến mục tiêu đạt được giá trị dài hạn, những tổn thất kinh tế - xã hội do mất kiểm soát sẽ như những cơn sóng thần ập đến rất nhanh, nhấn chìm cả một quốc gia. Vì vậy, trong những tình huống khẩn cấp, giá trị trong ngắn hạn nên ưu tiên đạt được trước. Tuy nhiên, để không xao lãng giá trị dài hạn, hệ thống quản lý mỗi nước nên có sự phân công nhiệm vụ thực hiện mục tiêu này cho một đơn vị cụ thể và phải tập trung thực hiện ngay khi những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn đã được giải quyết.
Tính hợp pháp và sự ủng hộ có thể đến từ đâu?
Tính hợp pháp và sự ủng hộ cho các chiến lược công thông thường sẽ đến từ giá trị mà chiến lược đó theo đuổi. Tuy quá trình thực hiện là khó khăn và đầy tính rủi ro, bất trắc, chiến lược chống dịch Covid-19 lại có ưu thế về tính hợp pháp và sự ủng hộ từ người dân do những giá trị theo đuổi có tính khẩn cấp và tác động đến mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ ở mỗi quốc gia và đối với các giá trị ngắn hạn và dài hạn cũng khác nhau.
Đặc tính này ở bộ máy quản lý các nước tùy thuộc vào uy tín của chính quyền hay sự tin tưởng của người dân vào nhà nước của họ. Yếu tố niềm tin có sẵn ở ngay thời điểm bắt đầu chiến lược chống dịch và có thể tiếp tục được bồi đắp hoặc suy giảm trong suốt quá trình, tùy thuộc vào thành tựu đạt được hoặc mức độ người dân cảm thấy thỏa mãn với các chính sách.
Điều may mắn là ở thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, dường như không có một quốc gia nào trên thế giới đang bị rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin của người dân đối với chính phủ. Tuy nhiên, một số quốc gia mà chính phủ có uy tín không cao sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc huy động nguồn lực cho chiến lược phòng, chống dịch.
Số liệu thống kê về chỉ số niềm tin của người dân vào chính phủ của khối các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mức độ biến động có tính trái chiều rõ nét trong năm 2020. Những quốc gia có xu hướng cải thiện sẽ là lợi thế, tuy nhiên, không tránh khỏi việc niềm tin của người dân vào chính phủ sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 mặc dù trước đó tăng nhanh như trường hợp Israel.
Anh Quốc cũng là nước có chỉ số thấp và có xu hướng giảm trong năm 2020. Mỹ là trường hợp ngược lại, khi trước đó niềm tin người dân có suy giảm nhưng lại được cải thiện rõ nét trong hai năm 2019 và 2020. Thụy Điển khá đặc biệt khi niềm tin của người dân vào chính phủ luôn tăng cao, bất chấp sự thất bại của chiến lược xây dựng miễn dịch cộng đồng trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, chỉ số niềm tin của người dân vào chính phủ cũng không phải là một căn cứ duy nhất để có thể máy móc tham chiếu cho việc xây dựng chiến lược chống dịch. Ở một số quốc gia, những chiến lược cứng rắn của chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể khiến người dân không thoải mái và bất đồng nhưng đôi khi lại tạo ra những kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết của người dân về các giá trị cần đạt được và những chính sách cần thực hiện cũng khác nhau, trong trường hợp mức độ hiểu biết thấp cũng sẽ khiến người dân ít tín nhiệm chính phủ, cho dù những nỗ lực của khu vực công có thể là đúng đắn.
Vấn đề ở đây là chính phủ vẫn rất cần nhận được sự ủng hộ từ phía người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp để có thể huy động nguồn lực tài chính và con người cho việc thực hiện chiến lược chống dịch. Trong tình huống có khoảng cách về việc nhìn nhận các giá trị cũng như hiệu quả chính sách giữa chính phủ và người dân, tiếng nói của các chuyên gia hiểu biết sẽ có giá trị như những chiếc cầu nối liền, giúp rút ngắn những khác biệt và tạo được sự đồng thuận nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đối tượng trong xã hội.
Năng lực vận hành nên được xây dựng như thế nào?
Năng lực vận hành được tạo nên bởi kiến thức, kỹ năng thực hiện và khả năng của từng tổ chức trong bộ máy quản lý công. Năng lực vận hành có thể nằm hoàn toàn trong bộ máy hoặc vượt qua khỏi ranh giới của hệ thống. Đối với trường hợp dịch Covid-19, năng lực vận hành chiến lược dường như phải được xây dựng từ đầu khi khả năng hiểu biết của nhân loại về chủng virus SARS-CoV-2 là khá hạn chế. Thách thức lớn nhất đó là năng lực đối phó rất cần phải vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia, khu vực hoặc châu lục.
Năng lực vận hành trong chiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19 đòi hỏi chính phủ các nước phải có sự kết nối, cùng nắm tay nhau xây dựng và củng cố những hiểu biết và kỹ năng qua các giai đoạn và cùng với những chuyển biến về mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Đáng tiếc là ngay ở những giai đoạn đầu tiên, vai trò kết nối của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không thực sự hiệu quả và vị trí dẫn dắt toàn cầu cũng chưa được bất cứ một quốc gia phát triển nào đảm nhận. Ở thời điểm hiện tại, khi các loại vaccin đã được đưa vào sử dụng, việc huy động nguồn lực để tiếp nhận cũng như phân bổ vaccin đúng đối tượng, đến các quốc gia cần ưu tiên cũng chưa thể điều phối hiệu quả. Chuyển giao công nghệ sản xuất cũng gặp khó khăn từ vấn đề bản quyền.
Bài học nào cho Việt Nam để có chiến lược chống dịch hiệu quả?
Phân tích ba yếu tố cần thiết cho việc thực hiện chiến lược chống dịch Covid-19 hiệu quả để lại cho Việt Nam nhiều bài học có thể ứng dụng trong thực tiễn chống dịch hiện nay.
Nếu xét đến các giá trị cần hướng đến, có lẽ Việt Nam vẫn xứng đáng được đánh giá là quốc gia đạt tốt hai giá trị trong ngắn hạn khi xuất sắc thực hiện mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) trong năm 2020. Tuy nhiên, giá trị miễn dịch cộng đồng trong dài hạn vẫn là bài toán khó mà chúng ta chưa thể thực hiện tốt nếu so sánh với một số quốc gia trên thế giới. Trở ngại lớn nhất để thực hiện mục tiêu dài hạn đó là khó huy động được nguồn lực tài chính để nhập vaccin đủ cho người dân cả nước và việc xác định hiệu quả tạo miễn dịch cộng đồng của các loại vaccin này.
Khi các nghiên cứu về giá trị tạo miễn dịch cộng đồng đã đạt được những thành tựu nhất định, Việt Nam cần nghiêm túc đặt mục tiêu dài hạn cho chiến lược phòng, chống dịch chứ không chỉ là việc tập trung kiểm soát mức độ lây nhiễm cộng đồng và đảm bảo duy trì tốc độ phát triển kinh tế. Ở những thời điểm tình hình lây nhiễm đã được kiểm soát ổn định, vấn đề tạo miễn dịch cộng đồng thông qua vaccin nên được tập trung thực hiện, thậm chí, cần tạo riêng một đơn vị chuyên trách trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để chịu trách nhiệm thực hiện chính cho việc đạt được giá trị này.
Trong tương lai, chắc chắn những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 và mức độ lây nhiễm cộng đồng trong khu vực sẽ khiến mục tiêu tiếp tục giữ vững các thành tựu trong ngắn hạn trở nên khó khăn hơn. Việc các tổ chức, đơn vị trong hệ thống và người dân nhận diện đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch và hiểu được chiến lược chống dịch chung trên cả nước là rất quan trọng, giúp quá trình phối hợp hiệu quả. Vai trò của các chuyên gia về y tế, chính sách, kinh tế - xã hội,... cần được phát huy nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, giữa các tổ chức trong hệ thống và đặc biệt là khả năng kết nối năng lực vận hành ngoài phạm vi quốc gia./.
Trần Hương Giang (Theo TBKTSG)